Vì sao Sơn Tây được chọn là thành phố di sản của Thủ đô?

Đô thị vệ tinh Sơn Tây được phát triển mở rộng từ thị xã Sơn Tây về phía Tây kết nối với vùng cảnh quan Ba Vì, hồ Suối Hai. Đây được kỳ vọng trở thành trung tâm hỗ trợ dịch vụ du lịch của vùng phía Tây Bắc Thủ đô.
Mải mê với hoa vàng trên núi xanh Mải mê với hoa vàng trên núi xanh
"Biển người" đón "Trung thu thành cổ" Sơn Tây - xứ Đoài

"Món quà" từ lịch sử, văn hoá

Trong suốt chiều dài lịch sử, thị xã Sơn Tây từ lâu giữ vai trò quan trọng trấn thủ phía Tây kinh thành Thăng Long, đồng thời là trung tâm của xứ Đoài. Nhờ đó, thị xã Sơn Tây đã tích luỹ được trầm tích văn hoá, lịch sử giàu có, đa dạng, độc đáo. Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia Làng cổ ở Đường Lâm là một quần thể với 50 di tích có giá trị được xếp hạng, gần 100 ngôi nhà cổ có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Đoàn công tác của Thường trực Thành ủy Hà Nội, mới đây đã đi khảo sát công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Làng cổ Đường Lâm và khu di tích Đền Và trên địa bàn thị xã Sơn Tây.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Đoàn công tác của Thường trực Thành ủy Hà Nội khảo sát công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Làng cổ Đường Lâm và khu di tích Đền Và trên địa bàn thị xã Sơn Tây.

Thành cổ Sơn Tây là một trong bốn vùng đất phên giậu của Thăng Long - Hà Nội, vừa có chức năng che chở, bảo vệ, vừa tạo thế bàn đạp để vươn ra cai quản, nắm giữ các vùng biên cương Tổ quốc. Thành được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ ba (1822) hoàn toàn bằng đá ong, loại vật liệu đặc sắc của xứ Đoài, đáp ứng được yêu cầu bền chắc của một công trình phòng thủ.

Theo Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ, Thành cổ Sơn Tây là một di tích quý hiếm, có giá trị to lớn về nhiều mặt, từ bối cảnh ra đời, lịch sử hình thành đến quy mô, cấu trúc, kỹ thuật xây dựng và vị trí chiến lược trong sự nghiệp bảo vệ đất nước. Với tính chất quan trọng về lịch sử, văn hóa, khoa học, từ năm 1924, Thành cổ Sơn Tây đã được Toàn quyền Đông Dương ra nghị định xếp hạng di tích; năm 1994, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Vì sao Sơn Tây được chọn là thành phố di sản của Thủ đô?
Sơn Tây là thủ phủ của xứ Đoài với nhiều di tích lịch sử, truyền thống văn hoá quý báu

Về mặt văn hoá, hàng trăm nay qua, thị xã Sơn Tây đã tích luỹ được “vốn liếng” dầy dặn. Đây là vùng đất gắn liền với những di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng như Làng cổ Đường Lâm, Thành Cổ Sơn Tây, Chùa Mía, Làng văn hóa Du lịch Việt Nam.... Bên cạnh đó, Sơn Tây còn là vùng đất của huyền thoại. Những câu chuyện bên dòng sông Tích, truyền thuyết về vị vua đánh hổ Ngô Quyền, ngôi đền Và ghi dấu Đức Thánh Tản Viên… đều là những tiềm năng mạnh mẽ giúp Sơn Tây đặt nền móng cho phát triển du lịch văn hoá, tâm linh.

Tuy nhiên, những cuộc biến thiên đã khiến Sơn Tây trong suốt nhiều năm chưa thể phát huy tối đa các lợi thế để vươn mình trở thành đô thị năng động, trù phú.

Khai thác "mỏ vàng" văn hoá, lịch sử

Đồng chí Trần Anh Tuấn, Bí thư Thị uỷ Sơn Tây chia sẻ tâm huyết: “Do đặc thù về kinh tế, chính trị, quân sự, thị xã vướng khá nhiều rào cản. Trong cái khó, ló cái khôn, Sơn Tây xác định lấy văn hoá làm tài nguyên, nền tảng để phát triển. Sơn Tây phấn đấu trở thành cực tăng trưởng, kết nối vùng phía Tây Bắc Thủ đô để xứng đáng với tiềm năng, lịch sử và vị thế vốn có của vùng đất này”.

Khoảng 2 năm trở lại đây, đến với thị xã Sơn Tây, đặc biệt các dịp cuối tuần, bầu không khí lễ hội dường như tràn trề trên các con phố. Xung quanh thành cổ 200 năm tuổi với những phiến đá ong nâu xám màu thời gian, lại là các tuyến phố đi bộ lúc nào cũng nhộn nhịp các hoạt động vui chơi, giải trí, hát ca (tuyến phố đi bộ xung quanh thành cổ Sơn Tây được khai trương từ 30/4/2022).

Vì sao Sơn Tây được chọn là thành phố di sản của Thủ đô?
Đô thị Sơn Tây bừng sáng

Tiếp theo sự kiện khai trường tuyến phố đi bộ xung quanh thành cổ, thị xã Sơn Tây tiếp tục gây chú ý khi giới thiệu với Nhân dân và du khách hàng loạt chương trình được tổ chức công phu, hoành tráng, đầy sắc màu như đêm nhạc của ca sỹ Tuấn Hưng, “Trung thu thành cổ” với sự xuất hiện của danh hài Xuân Bắc, Lễ kỷ niệm 200 năm thành cổ Sơn Tây đón chào ca sỹ Mỹ Linh… Ngoài ra, tại đây, đã có trên 180 buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao tại 6 điểm sân khấu chính và các khu vực sân khấu xung quanh được tổ chức đa dạng theo từng chủ đề, phù hợp với nhiều đối tượng từ thanh thiếu nhi cho đến người cao tuổi.

Thậm chí, Sơn Tây còn mạnh dạn đến mức đưa trái mít trở thành điểm nhấn của địa phương – chẳng có nơi nào của Thủ đô tổ chức cả cuộc thi mít, lễ hội mít nhằm chiều lòng du khách và hỗ trợ tiêu thụ nông sản như Sơn Tây!

Hiệu quả từ những hoạt động trên rất rõ nét, dễ đong đếm. Tuyến phố đi bộ Sơn Tây thu hút trên 20 vạn lượt du khách (trung bình mỗi tối thu hút khoảng trên 1 vạn lượt khách. Cá biệt có những buổi tối tăng mạnh lên 2,5 - 3 vạn lượt khách). Một lần nữa, thị xã Sơn Tây lại trở thành điểm hẹn đối với người dân các huyện lân cận, và các tỉnh bạn xa xôi.

Đô thị du lịch phía Tây Bắc Thủ đô

Trao đổi với báo chí sau buổi khảo sát của Đoàn công tác của Thường trực Thành ủy Hà Nội tại Sơn Tây hồi tháng 5/2023, thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Làng cổ ở Đường Lâm và các di tích trên địa bàn thị xã Sơn Tây có giá trị văn hóa lịch sử to lớn, trong đó, làng cổ ở Đường Lâm là di tích hiếm có, thuộc dạng "độc nhất vô nhị" của cả nước.

Vì sao Sơn Tây được chọn là thành phố di sản của Thủ đô?
Tiềm năng du lịch của Sơn Tây đang được khai thác hiệu quả

Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, buổi khảo sát đã giúp Thường trực Thành ủy Hà Nội đánh giá được tình hình công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của những di tích này thời gian qua; làm rõ từ thực tiễn những ưu điểm, hạn chế còn tồn tại. Đây là cơ sở rất quan trọng để lãnh đạo Thành phố xem xét, chỉ đạo trước hết là công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, đồng thời xây dựng các cơ chế nhằm đạt được 3 mục tiêu, vừa bảo tồn, gìn giữ những giá trị vô giá của di tích; vừa phát huy tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch, dịch vụ; đồng thời, nâng cao điều kiện sống, bảo đảm sinh kế, gia tăng thu nhập cho người dân.

Mới đây, trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, bên cạnh đề xuất mô hình "thành phố trong thành phố", Hà Nội vẫn giữ định hướng hình thành các đô thị vệ tinh, đáng chú ý là trường hợp đô thị vệ tinh Sơn Tây.

Cụ thể, Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ TTg ngày 26.7.2011 (QHC 1259) đã xác định cấu trúc phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.

Vì sao Sơn Tây được chọn là thành phố di sản của Thủ đô?

Thông tin về định hướng phát triển không gian trong giai đoạn tới, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng cho biết, đô thị vệ tinh Sơn Tây được phát triển mở rộng từ thị xã Sơn Tây về phía Tây kết nối với vùng cảnh quan Ba Vì, hồ Suối Hai trở thành trung tâm hỗ trợ dịch vụ du lịch của vùng phía Tây Bắc Thủ đô.

Tại đô thị Sơn Tây với nền tảng lịch sử phát triển đô thị lâu dài, làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây, Đền Và... và vùng cảnh quan sinh thái hấp dẫn tại khu vực sẽ được phát triển các chức năng hỗ trợ du lịch, đào tạo, y tế cùng các cơ sở an ninh - quốc phòng hiện có sẽ xây dựng Sơn Tây trở thành đô thị cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô.

Đặc biệt, đề xuất hình thành một thành phố trên cơ sở Thành cổ Sơn Tây, khai thác tối đa giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nền công nghiệp không khói là các sản phẩm du lịch đặc thù.

Trong đó, nhấn mạnh yếu tố kiến trúc, yếu tố lịch sử, khơi gợi niềm tự hào dân tộc thông qua các sản phẩm du lịch, phục dựng các làng cổ, các khu vực phố cổ, hình thành phố đi bộ, trung tâm triển lãm phi vật thể, triển lãm văn hóa truyền thống, chợ đêm, văn hóa ẩm thực, kiến tạo nền kinh tế bằng nguồn lực du lịch làm cốt lõi...

Phát triển đô thị văn hóa đặc trưng cửa ngõ phía Tây Bắc của Hà Nội trên cơ sở bảo tồn di sản văn hóa truyền thống (Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm và các di tích lịch sử văn hóa khác), bảo tồn và phát triển tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch.

Ngoài ra, tăng cường đa dạng môi trường tự nhiên và tính chất sinh học của vùng, phát triển trung tâm kỹ thuật sinh học hỗ trợ cho du lịch, phát triển nông nghiệp sinh thái trên cơ sở khai thác lợi thế ưu đãi về cảnh quan đa dạng vùng sông Hồng, sông Tích, Ba Vì - Suối Hai.

Xây dựng đô thị có bản sắc văn hóa đặc trưng của văn hóa xứ Đoài: Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, hồ Xuân Khanh và hồ Kỳ Sơn là những không gian trọng tâm chính để tổ chức không gian đô thị.

Phát triển mở rộng đô thị về phía Tây, hướng về khu vực hồ Xuân Khanh và hồ Đường. Hạn chế phát triển về hướng Nam và hướng Đông. Xây dựng đô thị hài hòa với đặc điểm địa hình tự nhiên, có hệ thống giao thông đô thị kết nối hài hòa giữa khu phát triển mới và làng xóm cũ, đặc biệt là khu vực Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm.

Vũ Cường
Phiên bản di động