Khai mạc Lễ hội cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng

Nằm trong chuỗi sự kiện của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, sáng nay (17/11), Lễ hội cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng đã khai mạc tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.
Học sinh Thủ đô sôi nổi hưởng ứng Hội khoẻ Phù Đổng Hà Nội phê duyệt tuyến đường rộng 22m tại huyện Gia Lâm 2 điểm dịch vụ du lịch đầu tiên ở Hà Nội đạt OCOP Huyện Gia Lâm đón nhận quyết định công nhận “Điểm du lịch Phù Đổng”

Tham dự chương trình có các đồng chí Phạm Hải Hoa, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội; Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt; Phó Chủ tịch UBND huyện Trương Văn Học... cùng đại diện các xã, phường, các chủ vườn, Nhân dân xã Phù Đổng.

Khai mạc Lễ hội cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng
Các đại biểu xem các nghệ nhân trình diễn cắt, tỉa hoa giấy

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND huyện Trương Văn Học cho hay, thực hiện Kế hoạch số 251 ngày 16/10/2023 của UBND thành phố, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 với chủ đề “Dòng chảy” tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo; nhằm hướng tới dòng chảy huyết mạch kết nối giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội của Thủ đô. Tuyến trải nghiệm của Lễ hội nhấn mạnh vào sự kết nối hai bên bờ sông qua cầu Long Biên lịch sử, đồng thời làm nổi bật các giá trị văn hóa lịch sử tại các quận, huyện trên địa bàn Thành phố.

Khai mạc Lễ hội cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng
Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng diễn ra từ ngày 17 – 19/11 với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, trưng bày, trình diễn nghệ thuật tạo hình, ghép cây hoa giấy

Lễ hội cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng chính là 1 trong chuỗi 80 hoạt động văn hóa, không gian sáng tạo trưng bày, triển lãm trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023.

Khai mạc Lễ hội cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng
Màn diễu hành của các chủ nhà vườn tại lễ khai mạc

Gia Lâm nằm ở vị trí của ngõ phía Đông của Thủ đô Hà Nội, từ lâu được biết đến là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, với bề dày truyền thống văn hóa và lịch sử, nơi giao thoa của hai dòng văn hóa Thăng Long và Kinh Bắc. Đây cũng là quê hương của Đức Thánh Gióng và Đức Thánh Chử Đồng Tử - 2 trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Huyện đang sở hữu kho tàng văn hóa truyền thống đồ sộ với 320 di tích lịch sử văn hóa, hàng trăm lễ hội truyền thống; trong đó, 163 di tích đã được xếp hạng các cấp.

Đặc biệt, Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng, xã Phù Đổng là nơi diễn ra Hội Gióng, một trong những lễ hội độc đáo nhất Việt Nam, cùng với hội Gióng ở Sóc Sơn đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010. Đây là niềm vinh dự, tự hào của người dân Phù Đổng nói riêng và huyện Gia Lâm nói chung.

Khai mạc Lễ hội cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng
Nhiều chủ nhà vườn thi cắt tỉa, tạo dáng cho cây

Bên cạnh đó, với truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, trong những năm qua, Nhân dân Phù Đổng đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuấn nông nghiệp từ trồng lúa, chăn nuôi sang trồng cây cảnh hoa giấy đem lại giá trị kinh tế cao đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế địa phương tạo nên thương hiệu “Cây cảnh hoa giấy Phù Đổng”. Nhờ sự khéo léo của bàn tay, khối óc con người cùng điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp nên nghề trồng hoa giấy ở Phù Đổng ngày càng phát triển, trở thành nghề chính.

Đặc biệt, tháng 11/2020 đã được UBND Thành phố Hà Nội quyết định công nhận "Làng nghề cây cảnh hoa giấy Phù Đổng". Phù Đổng hiện có khoảng 250 hộ trồng hoa giấy. Vừa qua, Phù Đổng có sản phẩm hoa giấy bonsai, hoa giấy ngũ sắc đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Khai mạc Lễ hội cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng
Phù Đổng có sản phẩm hoa giấy bonsai, hoa giấy ngũ sắc đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

“Tính đến nay, huyện Gia Lâm đã có 3 điểm du lịch được Thành phố công nhận là: Bát Tràng, Phù Đổng và Dương Xá. Đây là niềm vinh dự, cũng là cơ hội, điều kiện thuận lợi để các địa phương cũng như Phù Đổng tiếp tục gìn giữ, quảng bá, thu hút du khách, tuyên truyền, phát huy sáng tạo những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của cha ông, đồng thời phát triển kinh tế xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phấn đấu xây dựng xã thành phường, huyện Gia Lâm thành Quận. Lễ hội cũng là dịp để quảng bá Làng nghề cây cảnh hoa giấy Phù Đổng, khu di tích Đền Gióng, nhằm thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TU, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô” – Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm nói.

Khai mạc Lễ hội cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng

Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng diễn ra từ ngày 17 – 19/11 với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, trưng bày, trình diễn nghệ thuật tạo hình, ghép cây hoa giấy… rất độc đáo và đẹp mắt, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.

Khai mạc Lễ hội cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng
Đến với Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng diễn ra từ ngày 17 – 19/11, du khách còn có thể check -in chụp ảnh, tham quan làng nghề, xem các chủ nhà vườn tạo dáng cho cây.
N.Thủy
Phiên bản di động