Huyện Gia Lâm đón nhận quyết định công nhận “Điểm du lịch Phù Đổng”
Tới dự lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền trao Quyết định công nhận Điểm du lịch Phù Đổng cho lãnh đạo huyện Gia Lâm, xã Phù Đổng |
Bước đầu, huyện đã đạt được kết quả nổi bật, như: 61 di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo; 12 di tích được lập hồ sơ và xếp hạng các cấp; 2 nghề truyền thống và 1 lễ hội được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 3 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia; 187 di tích được kiểm kê hiện vật và lập hồ sơ khoa học; 81 di tích được dập, dịch văn bia và các tư liệu Hán Nôm…Phát biểu tại chương trình, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền nhấn mạnh: Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát kiển kinh tế - xã hội, trong 5 năm qua, huyện Gia Lâm đã xây dựng và triển khai thực hiện các Đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Huyện cũng đã đẩy mạnh các công tác số hóa tại các di tích, cổng thông tin du lịch để quảng bá và phát triển du lịch địa phương, được UBND thành phố công nhận các điểm du lịch trong đó có Điểm du lịch Phù Đổng. Đây là niềm vinh dự, cũng là cơ hội, điều kiện thuận lợi để xã Phù Đổng tiếp tục gìn giữ, quảng bá, tuyên truyền những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của cha ông, đồng thời, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cảnh quan, đời sống Nhân dân ngày càng giàu đẹp.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại buổi lễ |
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Gia Lâm, xã Phù Đổng chú trọng phát huy truyền thống đoàn kết; Chủ động, sáng tạo, tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; Tập trung phát triển kinh tế gắn với quy hoạch xây dựng đô thị; Chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Huyện quan tâm phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn, trong đó, tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị to lớn của Hội Gióng, xây dựng các tour, tuyến, điểm du lịch xã Phù Đổng kết nối với các tour, tuyến du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm cũng như các địa phương lân cận.
Cùng với đó, các Sở, ban, ngành của thành phố cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ phối hợp với huyện Gia Lâm tăng cường giới thiệu, quảng bá về Hội Gióng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức hợp lý không gian du lịch toàn huyện, bảo đảm sự kết nối giữa các điểm đến nhằm thu hút đông đảo du khách trong nước đến với Phù Đổng, Gia Lâm nói riêng và Thủ đô nói chung.
Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội nhấn nút khai trương Cổng thông tin điện tử Du lịch Gia Lâm |
Lễ hội Gióng đền Phù Đổng diễn ra từ ngày mùng 7 đến mùng 9 tháng Tư âm lịch hằng năm. Hội Gióng được Nhân dân Phù Đổng bảo tồn, trao truyền; Được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2010).
Tại lễ hội năm nay, huyện Gia Lâm cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch, như: Khai mạc chợ quê tại khu du lịch sinh thái Phù Đổng Green Park; Lễ hội hoa giấy Phù Đổng lần thứ nhất; Khai trương các cơ sở mua sắm, cơ sở ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; các gian hàng OCOP; Xúc tiến quảng bá du lịch; Ea mắt Hợp tác xã Du lịch Hội Gióng Phù Đổng; Thi đấu giải cầu lông, bóng chuyền; hát quan họ; biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống khác…