Khách Tây thích thú với lễ hội truyền thống tại Hà Nội

Mới đây, trong dịp lễ hội Đình làng Bát Tràng năm 2024, nhiều du khách ngoại quốc đã không khỏi trầm trồ trước không khí trang nghiêm, long trọng nhưng cũng nhộn nhịp, tươi vui của ngày lễ truyền thống hàng năm của người làng gốm.
Tưng bừng lễ hội làng Bát Tràng Khách Tây thích thú với "tour guide" miễn phí khi đến Hà Nội

Hào hứng rong ruổi các con phố

Trong đôi mắt của du khách quốc tế, Hà Nội không chỉ là một điểm đến thông thường, mà còn là nơi mang đậm những dấu ấn đặc biệt khó quên.

Khi ghé thăm Hà Nội, họ sẽ cảm nhận ngay sự sôi động của cuộc sống đô thị, sự đa dạng trong ẩm thực cùng với văn hóa và lịch sử đậm đà, cũng như sự thân thiện của người dân địa phương.

Từ những con hẻm nhỏ xinh đẹp, những công trình kiến trúc lâu đời từ thời các vị vua còn trị vì, hay những công trình từ thời Pháp thuộc. Hay chỉ đơn giản như những quán ăn vỉa hè phong phú với món ăn đặc trưng, cùng với cách người Hà Nội di chuyển qua lại trên đường phố, tất cả đều tạo ra những ấn tượng đặc biệt trong lòng du khách.

Khách Tây thích thú với lễ hội truyền thống tại Hà Nội
Du khách nước ngoài rất yêu thích check-in tại cung đường tàu hỏa đi xuyên qua thành phố khi đến Hà Nội

Dẫu Hà Nội đang ngày càng đổi mới với bao công trình hiện đại, tiện ích bùng nổ khắp nơi, nhưng nhiều người dân Thủ đô vẫn giữ cho mình một nếp “Hà Nội” xưa dung dị và thanh lịch khó nhầm lẫn. Chính con người Hà Nội là một nhân tố khiến du khách nước ngoài thêm yêu mến đất Thăng Long nhiều hơn trong hàng chục năm qua.

Du khách nước ngoài đến với Hà Nội còn bởi những chuyến “rong ruổi” trên đường phố, khám phá những dấu xưa đặc trưng của Hà Nội xưa thông qua các làng nghề, cửa hàng nơi các nghệ nhân tài năng sản xuất những đồ truyền thống như gốm, sứ, bạc, đồng... Họ không chỉ là những nghệ nhân xuất sắc mà còn là những người gìn giữ và bảo tồn di sản lịch sử, văn hóa của Thủ đô.

Khách Tây thích thú với lễ hội truyền thống tại Hà Nội
Những con phố muôn màu muôn vẻ của Hà Nội luôn là điểm hấp dẫn khách nước ngoài

Ông bà Joe và Gayle Smithe từ Hoa Kỳ đã “lặn lội” đến Việt Nam qua lời mời của một đối tác làm ăn. Dù chuẩn bị cho một chuyến đi công việc, nhưng ông Joe đã “mê mẩn” món bánh tôm giòn rụm và bún cá cay Hải Phòng.

Ông đã thuyết phục vợ bằng đủ mọi biện pháp cùng ở lại thêm 3 tuần, hoãn công việc tại Hoa Kỳ để tận hưởng một kỳ nghỉ bất ngờ tại Việt Nam. Bà Gayle đã bị thuyết phục ở lại chiều theo ý chồng và cả hai đã không hề hối hận với quyết định này.

“Tôi mong muốn ở lại Việt Nam thêm một thời gian để thưởng thức thêm nhiều món ngon. Việt Nam đem đến cho chúng tôi cả tá những điều thú vị", ông Joe Smithe hào hứng nói.

Khách Tây thích thú với lễ hội truyền thống tại Hà Nội
Ông Joe và bà Gayle Smithe

Trải nghiệm lễ hội đặc sắc

Dịp này, gia đình bà Gayle Smithe cũng đến làng Bát Tràng. Bà chia sẻ: “Khi đến với làng gốm, chúng tôi đã được hòa mình vào không khí lễ hội truyền thống hàng năm của người dân Bát Tràng. Tôi không hề biết lễ hội và nghi thức truyền thống của người Việt lại tưng bừng và nhộn nhịp đến thế, khác rất nhiều so với các nước tôi từng đi. Tôi đã ngỏ ý mong muốn được cùng lên thuyền ra sông để thực hiện nghi thức “Lấy nước” của làng, nhưng do tôi và anh Joe sơ ý mặc trang phục ngắn nên các vị trưởng lão phải hẹn tôi dịp khác. Nhưng được chứng kiến và trở thành một phần của lễ hội truyền thống làng gốm Bát Tràng quả thực là một vinh dự và trải nghiệm hiếm có. Tôi tự hỏi liệu các bạn đã làm thế nào để gìn giữ những truyền thống này qua cả nghìn năm mà vẫn giữ được trọn vẹn nét đặc sắc của nó. Tôi cho rằng lựa chọn của Joe quả là sáng suốt khi đã dành thêm thời gian ở lại Việt Nam”.

Hằng năm, khi mùa Xuân về cũng là lúc mọi gia đình tại làng cổ Bát Tràng sắp xếp thời gian để quay về đình làm lễ tạ ơn các vị thần tổ nghề và các vị thần hoàng trong ngày lễ truyền thống. Cả làng sum họp, tôn vinh và ghi nhớ những giá trị truyền thống, tạo nên một không khí tưng bừng đặc biệt trong những ngày 14, 15, 16 của tháng 2 âm lịch hàng năm.

Trong lễ hội, nét đẹp truyền thống được kỳ công gìn giữ và tái hiện một cách sống động, đặc biệt là trong lễ rước truyền thống. Từ Miếu Bát Tràng, nước được rước về đình Bát Tràng trong một không khí trang trọng, với các cờ phướn bay và những chiếc kiệu đỏ rực rỡ, tạo nên một bức tranh văn hoá ấn tượng và sôi động.

Khách Tây thích thú với lễ hội truyền thống tại Hà Nội
Một phần nghi lễ rước nước trên sông trong lễ hội
Khách Tây thích thú với lễ hội truyền thống tại Hà Nội
Những con thuyền cờ hoa rợp trời
Khách Tây thích thú với lễ hội truyền thống tại Hà Nội
Rùng mình khi chứng kiến những chiếc kiệu, xa giá biết "bay"

Vào phần nghi lễ, mọi thủ tục diễn ra trong không khí trang nghiêm trên chiếc phà trên dòng sông Hồng. Người chủ tế, sau khi đã dâng lên những lời cầu nguyện, đại diện cho cả cộng đồng, xin nhận nước thiêng từ trung tâm sông Hồng, lọc qua một tấm vải đỏ, trước khi đưa về Đình cổ Bát Tràng.

Phần hội đồng thời cũng là nơi tạo ra sự sôi động với nhiều trò chơi truyền thống đặc sắc. Trong số đó, những trò chơi cờ người và các tiết mục hát thờ... là những điểm nhấn nổi bật và ấn tượng nhất, tạo nên nét đặc trưng riêng của lễ hội.

Khách Tây thích thú với lễ hội truyền thống tại Hà Nội
Nghi lễ dâng nước các vị Thành Hoàng làng

Bà Jodey Starr (Australia) đến Việt Nam trong kỳ nghỉ hè dài ngày. Bà và gia đình, bạn bè đã có một tháng dạo chơi ở Hà Nội, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến đi. Đối với nhóm bà Jodey, Hà Nội là thành phố mang đến nhiều bất ngờ nhất.

Ông Gavin Desmond, bạn của bà Jodey cho biết: “Phong cảnh của Hà Nội rất độc đáo, từng tòa nhà cổ, phố cũ đều có vẻ đẹp phong hóa tự nhiên rất đẹp. Chúng tôi thật sự chẳng cần phải đi đâu xa, chỉ cần ra khỏi khách sạn, xuống ngay con phố cổ phía trước cũng đã chụp được hàng chục tấm hình ấn tượng”.

Đến với lễ hội đình làng Bát Tràng một cách rất tình cờ, bà Jodey và bạn bè đã bị “hoa mắt” khi chứng kiến những chiếc kiệu, xa giá nhà Thánh “biết bay”. Tất cả đều bàn luận sôi nổi về cách làm thế nào mà chiếc kiệu nặng lại chạy vun vút mượt mà đến thế.

Bà ngạc nhiên bày tỏ: “Lễ hội này là “món quà của Chúa” đối với tôi. Tôi đã đi qua 33 nước trên thế giới và rất yêu thích tìm hiểu văn hóa từng vùng. Nhưng tôi khẳng định chưa ở nơi đâu có lễ hội vừa vui tươi, rực rỡ mà lại rất trang trọng, thành kính như ở Việt Nam. Tôi được đi hội chùa Hương và giờ là hội làng Bát Tràng, cả hai đều gây ấn tượng mạnh về mặt thị giác với tôi”.

Khách Tây thích thú với lễ hội truyền thống tại Hà Nội
Bà Jodey Starr, ông Gavin Desmond cùng hai người anh họ thích thú với tạo hình ông Thần Tài trong lễ hội, thậm chí bà Jodey còn hỏi nơi mua bộ trang phục này.

“Tôi cũng đã nghe giải thích về cách các bạn sử dụng màu sắc và trang trí cho lễ hội. Có vẻ như màu đỏ và vàng mang ý nghĩa linh thiêng, được sử dụng đan xen nhau tạo ra màu sắc rực rỡ cho lễ hội. Những loại cờ, phướn, Ô (lọng) hay những chiếc xe (kiệu) đều được trang trí vô cùng tỉ mỉ và kỳ công. Tôi rất thích hoa văn hoàng kim trên những chiếc xe đó”, bà Jodey nói.

Tại Bát Tràng, nhóm bạn trẻ Emillia, Adelina, Valeria và Artem đến từ Nga đã có cơ hội tham quan bảo tàng gốm sứ, trải nghiệm không gian nghệ thuật độc đáo tại nơi đây.

Chia sẻ về trải nghiệm của mình với Hà Nội, Emillia cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến với Việt Nam, tôi đã có cơ hội thăm Hội An, Đà Nẵng,... Tôi đặc biệt yêu thích động Phong Nha – Kẻ Bàng và cảnh sắc nên thơ của vùng Ninh Bình. Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy một nơi nào có cảnh sắc ngập tràn màu xanh lại rất thanh bình như vậy. Nhưng Hà Nội lại để lại cho chúng tôi cảm giác hoài cổ tựa rất khác lạ, nó giống cảm giác đi qua điện Kremlin, cổ kính, trang nghiêm nhưng rất gần gũi".

Khách Tây thích thú với lễ hội truyền thống tại Hà Nội
Nhóm bạn trẻ Emillia, Adelina, Valeria và Artem

Anh chàng Artem bày tỏ: "Tất cả mọi ngóc ngách của Hà Nội đều mang màu sắc nghệ thuật trầm lặng rất hấp dẫn. Nơi đây có những nét đẹp từ quá khứ xen lẫn với hiện đại, rất hài hòa mà đến những du khách ngoại quốc như chúng tôi cũng có thể cảm nhận được những góc nhìn đa màu sắc. Tôi đã có thể hòa mình vào văn hóa Việt Nam, rất gần gũi, thân thiện và bình dị. Nó giống như là một triển lãm văn hóa sống ngay cả ở trên đường phố vậy”.

Khách Tây thích thú với lễ hội truyền thống tại Hà Nội
Emillia chụp ảnh cho cô bạn Adelina đang "xỏ thử" đôi dép khổng lồ

Trên hành trình khám phá Hà Nội, khách du lịch đã được chứng kiến và trải nghiệm những giá trị văn hóa, truyền thống và sự ấm áp của con người địa phương. Những lễ hội truyền thống Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng họ, khẳng định vị thế đặc biệt của Thủ đô trong lòng du khách quốc tế.

Hy vọng, sự phát triển của du lịch văn hóa sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn những giá trị truyền thống, tạo ra cơ hội tuyệt vời để du khách khám phá và có trải nghiệm thú vị tại Hà Nội - một điểm đến đầy sức hút.

Tùng Linh
Phiên bản di động