Khách hàng bị phong tỏa hàng chục tỷ tại Ngân hàng NCB, VietABank: Có thể khởi kiện ra tòa!
Liên quan đến vụ việc ông Đặng Nghĩa Toàn (trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) phản ánh về việc bị Ngân hàng Việt Á (VietABank), Ngân hàng Quốc Dân (NCB) tự ý phong tỏa tài khoản với số tiền cả trăm tỷ đồng gửi tiết kiệm, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của ông Toàn và gia đình.
Ngày 28/5/2019, phóng viên Tuổi trẻ và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với một chuyên gia (xin được giấu tên) trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng xoay quanh vụ việc này.
PV: Thưa ông, liên quan đến việc khách hàng mất tiền tại VietABank đang xôn xao dư luận thời gian vừa qua. Các ngân hàng có được phong tỏa tiền gửi tiết kiệm của khách hàng không? Nếu có thì ngân hàng được phong tỏa trong những trường hợp nào?
Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 101/2012/NĐ – CP của Chính Phủ ban hành ngày 22/11/2012 và được hướng dẫn tại Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/08/2014 của Ngân hàng Nhà nước thì ngân hàng thương mại được phong tỏa tài khoản của khách hàng trong một số trường hợp, cụ thể:
1. Khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
2. Khi ngân hàng phát hiện thấy có nhầm lẫn, sai sót khi ghi có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của người chuyển tiền, số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.
3. Khi có thông báo bằng văn bản của một trong các chủ tài khoản về việc phát sinh tranh chấp về tài khoản thanh toán chung giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.
Trụ sở Ngân hàng Việt Á (VietABank). |
PV: Thưa ông, đối chiếu các quy định của pháp luật nêu trên, trường hợp của khách hàng Đặng Nghĩa Toàn có bị các ngân hàng phong tỏa tiền gửi tiết kiệm không?
Như tôi đã nói trên, nếu tài khoản gửi tiết kiệm của khách hàng không có sai sót, không có tranh chấp thì ngân hàng chỉ được phong tỏa khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, trong trường hợp này thì ngân hàng không được phong tỏa tài khoản nếu không có yêu cầu bằng văn bản của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trụ sở Ngân hàng Quốc Dân (NCB). |
PV: Thưa ông, vậy trong trường hợp của khách hàng Đặng Nghĩa Toàn, Cơ quan Thanh tra giám sát – Ngân hàng Nhà nước có được yêu cầu các ngân hàng phong tỏa tài khoản của khách hàng không? Nếu có thì trong trường hợp nào? Ai là người được quyền yêu cầu phong tỏa?
Theo quy định của pháp luật tại Thông tư liên tích số 07/2015/TTLT-TTCP – NHNN ngày 25/11/2015 thì nếu khách hàng Đặng Nghĩa Toàn thuộc đối tượng thanh tra thì Cơ quan Thanh tra có quyền yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản của khách hàng. Theo đó, người có quyền yêu cầu phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra là:
1. Trưởng đoàn thanh tra hành chính, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành.
2. Người ra quyết định thanh tra hành chính, người ra quyết định thanh tra chuyên ngành.
Trong vụ việc này, đến thời điểm hiện tại thì không hề có quyết định nào về việc thanh tra đối với khách hàng Đặng Nghĩa Toàn. Do đó, Cơ quan Thanh tra giám sát – Ngân hàng Nhà nước không được quyền yêu cầu các ngân hàng thương mại phong tỏa tài khoản của khách hàng.
PV: Thưa ông, vậy nếu ngân hàng cố tình phong tỏa tiền gửi của khách hàng trái quy định pháp luật thì trách nhiệm đặt ra là gì?
Nếu việc phong tỏa trái pháp luật gây thiệt hại cho khách hàng thì ngân hàng phải chịu tránh nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật quy định tại Khoản 4 Điều 12 Nghị định 101/2012/NĐ- CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ.
PV: Theo ông, để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình thì các khách hàng như ông Đặng Nghĩa Toàn cần làm những gì?
Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình, ông Toàn có quyền yêu cầu các ngân hàng trả lại tiền gửi tiết kiệm theo đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp các ngân hàng cố tình không trả lại ông Toàn có thể gửi đơn đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Thậm chí, có thể khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trong đơn thư gửi Tuổi trẻ và Pháp luật, ông Đặng Nghĩa Toàn cho biết, tại VietABank, ông gửi tiết kiệm số tiền là 20 tỷ đồng ở Phòng giao dịch Đông Đô (địa chỉ: Tầng 1, Tòa 18T1 KĐT Trung Hòa Nhân Chính, đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội). Sau một thời gian, khi đến đến trụ sở VietABank tại địa chỉ số 34A-34B Hàn Thuyên, Hà Nội để yêu cầu rút tiền từ sổ tiết kiệm thì được phía ngân hàng thông báo rằng sổ tiết kiệm của mình đã bị ngân hàng phong tỏa do ông Toàn đã ký kết hợp đồng vay vốn và sử dụng sổ tiết kiệm để cầm cố theo hợp đồng vay vốn nêu trên nên ngân hàng đã tất toán sổ tiết kiệm. Quá trình làm việc với đại diện VietABank, ông Toàn khẳng định rằng không hề ký bất cứ hợp đồng vay vốn nào cũng như không có việc cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn tại ngân hàng. Đồng thời, yêu cầu phía ngân hàng xác minh, giám định chữ ký của mình trên các hợp đồng vay vốn và hợp đồng cầm cố và trình báo sự việc nêu trên đến cơ quan công an để được giải quyết. Sau đó, Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP Hà Nội đã có thông báo Kết luận giám định số 03 gửi đến ông Toàn và phía Ngân hàng Việt Á thông báo chữ ký, chữ viết trên hồ sơ vay vốn, cầm cố sổ tiết kiệm là giả mạo, cụ thể: “Chữ ký, chữ viết dòng họ tên Đặng Nghĩa Toàn trên Đề nghị vay vốn … không phải là chữ ký, chữ viết của ông Đặng Nghĩa Toàn”. Mặc dù đã có kết luận của cơ quan công an đã kết luận không phải chữ ký của ông Toàn nhưng đến nay phía ngân hàng vẫn chưa hoàn trả lại tiền cho ông này. Tại Ngân hàng Quốc Dân (NCB), ông Đặng Nghĩa Toàn cũng bị ngân hàng này phong tỏa tiền tiết kiệm 50 tỷ đồng cũng vì lý do tương tự như vụ việc tại VietABank. Sau thời gian dài đòi hỏi quyền lợi, đến nay, ông Toàn vẫn đang rơi vào ''cuộc chiến pháp lý'' và chưa thể nhận lại được số tiền của mình đã gửi tại ngân hàng. |