Huyện Ứng Hòa (Hà Nội): Nâng cao kỹ năng ứng xử văn minh du lịch cho cộng đồng

Mới đây, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với UBND huyện Ứng Hòa tổ chức hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng cho dân cư trên địa bàn xã Hồng Quang.
Huyện Thạch Thất (Hà Nội): Triển khai ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng Bắc Ninh đẩy mạnh du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng Bình Thuận: Dự án Khu dịch vụ du lịch Biển Quê Hương thực hiện đúng quy định pháp luật

Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích du lịch mang lại, kỹ năng ứng xử văn minh, kỹ năng phục vụ, giao tiếp đối với khách du lịch cho Nhân dân, người phục vụ tại các điểm đón khách du lịch trên địa bàn huyện, đặc biệt là xã Hồng Quang - nơi thường xuyên đón lượng khách du lịch lớn đi tham quan Chùa Hương đi qua địa phận xã và ghé thăm đền Đức Thánh Cả.

Tại đây, bà Bùi Lan Hương, Phó Chánh Văn phòng Sở Du lịch Hà Nội đã có những đánh giá về du lịch Hà Nội cũng như những nét đặc trưng của huyện Ứng Hòa; Nằm ở phía Nam của Hà Nội.

Nằm trên tuyến QL21B, trục phát triển kinh tế phía Nam, tuyến du lịch từ Hà Nội đến Hương Sơn, kết nối thuận lợi với Hà Nam và Ninh Bình, với đặc trưng là vùng chiêm trũng, Ứng Hòa phù hợp phát triển các cơ sở làng nghề truyền thống của địa phương. Huyện có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng sản xuất ra những sản phẩm, món ăn tạo thành đặc sản của Ứng Hòa như: Vịt cỏ Vân Đình, Bún Bặt, làng nghề sản xuất tăm hương Quảng Phú Cầu; Nghề may áo dài thôn Trạch Xá, xã Hòa Lâm; nghề làm đàn thôn Đào Xá, xã Đông Lỗ…

Huyện có số lượng di tích đứng thứ 2 thành phố với 433 di tích, trong đó có 161 di tích được xếp hạng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn bảo tồn 63 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 50 lễ hội, 8 nghề thủ công, 3 tập quán xã hội và 2 tri thức dân gian.

Với những tiềm năng đó, trong quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội, huyện Ứng Hòa được xác định nằm trên tuyến du lịch vành đai Sông Đáy có thế mạnh phát triển du lịch di tích - lễ hội, du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với giáo dục trải nghiệm, du lịch làng nghề truyền thống.

Huyện Ứng Hòa (Hà Nội): Nâng cao kỹ năng ứng xử văn minh du lịch cho cộng đồng
Hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cho cộng đồng dân cư trên địa bàn xã Hồng Quang

Tại hội nghị, người dân xã Hồng Quang đã rất thích thú, chăm chú lằng nghe bài giảng của PGS. TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội về nội dung ứng xử văn minh du lịch và du lịch cho cộng đồng.

Hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng cho dân cư trên địa bàn xã Hồng Quang đã làm rõ các nội dung liên quan đến kỹ năng phục vụ, giao tiếp, ứng xử, giới thiệu và kết nối các sản phẩm du lịch; Tìm hiểu tâm lý du khách cũng như vai trò, tác động, đóng góp của ngành du lịch với địa phương và với đời sống của người dân.

Làng hương Quảng Phú Cầu - huyện Ứng Hòa
Làng hương Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa

Trong 2 năm 2020 – 2021, ngành du lịch Hà Nội đã chịu nhiều tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, nhiều chỉ tiêu bị sụt giảm mạnh so với kế hoạch đề ra, song ngành du lịch đang hồi phục và phát triển mạnh mẽ. Ước cả năm 2022, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 1,5 triệu lượt khách, khách du lịch nội địa ước đạt 17,2 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60 nghìn tỷ đồng.

Hà Nội vinh dự được công nhận là: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022 của tổ chức giải thưởng du lịch Thế giới (World Travel Awards). Trên cơ sở đó, thành phố tiếp tục đặt các mục tiêu lớn đến năm 2025 sẽ đón và phục vụ trên 30 triệu lượt khách du lịch (trong đó có trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế), cùng tỷ lệ đóng góp tổng hợp của ngành Du lịch vào GRDP thành phố đạt trên 8%.

PV
Phiên bản di động