Hưởng lợi từ giá lợn tăng cao, “đại gia” chăn nuôi Dabaco lãi lớn
Tập đoàn Dabaco bị phạt 300 triệu đồng vi phạm pháp luật về môi trường Tập đoàn Dabaco kinh doanh lao dốc |
Chiều 1/7, Hội đồng quản trị Tập đoàn Dabaco đã họp phiên mở rộng với các thành viên Ban Tổng giám đốc, Ban kiểm soát nhằm đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh quý 2/2020; triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh quý 3/2020 và 6 tháng cuối năm.
Theo báo cáo của Ban điều hành Tập đoàn Dabaco, doanh thu quý 2/2020 doanh nghiệp đạt khoảng 3.106 tỷ đồng, tăng 5,3%; lợi nhuận trước thuế khoảng 432 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 397 tỷ đồng, tăng 14% so với quý 1/2020. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm ước khoảng 744 tỷ đồng, bằng 163% kế hoạch.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh:Dabaco. |
Theo đánh giá, doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn Dabaco tăng cao do hưởng lợi từ việc giá lợn tăng cao trong suốt thời gian qua. Không những vậy, các mảng kinh doanh khác như chế biến trứng ăn liền, gà giống, dầu thực vật... cũng góp đáng kể vào tăng trưởng của Tập đoàn Dabaco.
Trong thời gian tới, dự báo tình hình kinh tế xã hội trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn và có thể kéo dài đến hết năm 2020, ông Nguyễn Như So - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dabaco yêu cầu các đơn vị trong tập đoàn tăng cường công tác phát triển thị trường, mở rộng hệ thống phân phối, tăng cường các hoạt động quảng cáo, truyền thông, phấn đấu tiêu thụ hết sản lượng sản xuất các loại sản phẩm thức ăn chăn nuôi, con giống, sản phẩm chăn nuôi, trứng gà, dầu thực vật...
Ông So cũng đặt mục tiêu phủ sóng sản phẩm dầu ăn tới các gia đình trên khắp cả nước trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, ông So cũng yêu cầu phải khai thác hiệu quả lợi thế sản xuất quy mô lớn và theo mô hình chuỗi giá trị khép kín 3F; tổ chức sản xuất hết qui mô công suất và khai thác hiệu quả các dự án mới hoàn thành đưa vào sử dụng như Nhà máy ép dầu thực vật, Khu chăn nuôi tại Bình Phước, Khu chăn nuôi lợn giống Phú Thọ (giai đoạn 2)…
Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dabaco cũng yêu cầu tất cả các đơn vị chăn nuôi tiếp tục coi phòng ngừa dịch bệnh, nâng cao năng suất và giảm giá thành là trọng tâm, thực hiện biện pháp an toàn sinh học là giải pháp căn cơ, hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay; tích cực tổ chức mở rộng quy mô chăn nuôi theo kế hoạch được duyệt; tăng cường sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu trứng, dầu thực vật, thịt lợn, gà...