Hơn 83.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại bị phát hiện

Trong 11 tháng năm 2020, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý gần 83.051 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Hà Nội cao điểm chống buôn lậu, hàng giả trên chợ mạng 'Nở rộ' buôn lậu qua đường bưu chính, chuyển phát nhanh

Theo Bộ Công thương, thời gian qua, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong nước đã được thực hiện quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.

Thống kê cho thấy, từ ngày 1/11/2020 đến ngày 25/11/2020, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý gần 8.976 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách Nhà nước gần 13 tỷ đồng. Tính lũy kế từ ngày 1/1/2020 đến ngày 25/11/2020, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý gần 83.051 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 241 tỷ đồng.

Hơn 83.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại bị phát hiện
Lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện cơ sở tàng trữ hàng trăm nghìn hộp thuốc tân dược có dấu hiệu nhập lậu ngày 20/11.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong giai đoạn cuối năm, Tết Dương lịch, thị trường hàng hóa sẽ sôi động hơn, niềm tin của người dân vào sự phục hồi kinh tế tăng; nhu cầu hàng hóa chuẩn bị Tết, nhu cầu dịch vụ ăn uống phục vụ liên hoan, cưới hỏi tăng; các yếu tố tác động về giá cả từ thị trường hàng hóa thế giới đang trong xu thế phục hồi.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của các bộ, ngành, địa phương, sự chuẩn bị về nguồn hàng sớm và chủ động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nên cung cầu, giá cả hàng hóa sẽ không có biến động bất thường, thị trường tương đối bình ổn.

Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2020 và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Theo đó, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, xì gà, nước giải khát, xăng dầu, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật... không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.

Hậu Lộc
Phiên bản di động