Hoàn thiện thêm quy định can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt ngân hàng
Thống đốc: Cơ bản hoàn thành định giá các ngân hàng chuyển giao bắt buộc So kè lợi nhuận của 4 “ông lớn” ngân hàng quốc doanh |
Cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra chiều 8/1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ đây là dự án luật rất quan trọng, có tính chuyên môn cao, tác động sâu rộng đến nhiều đối tượng mà trực tiếp là đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định, kinh tế vĩ mô, an toàn, an ninh hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.
Liên quan đến dự án luật này, Quốc hội cũng đã cho ý kiến tại 2 kỳ họp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội cũng đã cho ý kiến nhiều lần và có nhiều chỉ đạo cụ thể qua nhiều cuộc họp khác nhau.
Để bảo đảm dự án luật được thông qua với chất lượng tốt nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng và ngân hàng trong thời gian tới đây, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung phân tích cho ý kiến để hoàn thiện thêm đối với vấn đề can thiệp sớm và kiểm soát đặc biệt.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị rà soát các vấn đề về quản lý tập đoàn tài chính, sở hữu chéo, các quy định chuyển tiếp, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.
Quang cảnh phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra chiều 8/1. |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là những nội dung cần được xem xét kỹ lưỡng thận trọng từ nay đến khi khai mạc kỳ họp bất thường để bảo đảm chất lượng trình Quốc hội xem xét thông qua.
Mới đây, tại Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 5/1/2024 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 12/2023, Chính phủ yêu cầu dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) phải bảo đảm có đủ cơ sở pháp lý điều chỉnh các hoạt động của tổ chức tín dụng; bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của các tổ chức tín dụng, phục vụ sự phát triển của đất nước.
Các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý cần được phân tích sâu, thuyết phục, nêu rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của sự cần thiết ban hành các quy định tại dự án luật, tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thực tiễn của các tổ chức tín dụng, ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, lợi dụng chính sách của Nhà nước để tham nhũng, tiêu cực, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác; bảo đảm an ninh tiền tệ, lợi ích của quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức liên quan.
Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường vai trò quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước, nhiệm vụ, quyền hạn của Thống đốc trong việc kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm an ninh tiền tệ.