Hành trình nhặt rác xuyên Việt lan tỏa ý nghĩa của "Thủy rác"
Sôi động “ngày tử tế” tôn vinh môi trường không rác thải Lan tỏa việc làm tử tế vì môi trường không rác thải |
Hành trình “đơn thương độc mã”
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi tại sự kiện "Ngày tử tế" diễn ra tại Hà Nội ngày 4/5 là một cô gái nhỏ nhắn, hay cười và cá tính. Chúng tôi được ban tổ chức giới thiệu chị Bùi Thị Thủy để lắng nghe chia sẻ mà nhiều người cho rằng khác thường.
Chị Bùi Thị Thủy (bên phải) trong chuyến hành trình xuyên Việt nhặt rác. |
Kể với chúng tôi, chị Thủy nói về hành động khác thường ấy là hành trình xuyên Việt nhặt rác. Ý tưởng của chị nung nấu từ trước là làm cho đất nước ngày càng thêm xanh, sạch và đẹp, chính điều đó, chị đã thực hiện hành trình nhặt rác dọc các miền đất nước. Cuộc hành trình bắt đầu được chị Thủy bắt đầu từ ngày 22/10/2016 tới ngày 1/1/2017 với hành trang là chiếc xe đạp mini Nhật cũ kỹ, một balo đựng đồ dùng cá nhân, các bao tải đựng rác và 500.000 nghìn đồng tiền mặt.
Chị Thủy kể, “Tôi có một tháng để chuẩn bị và lên kế hoạch để thực hiện được chuyến hành trình của mình, tôi đã phải liên hệ trước với các cơ quan đoàn xã, địa phương và đặc biệt là các bạn sinh viên tình nguyện hỗ trợ mình thực hiện ý tưởng ấy”.
Chị Thủy chia sẻ: “Trong suốt chuyến hành trình của mình, có đôi lúc chị thấy chán nản, mệt mỏi nhưng nghĩ đến những điều tốt đẹp mà mình sắp mang đến, mọi khó khăn lại thoát ra khỏi suy nghĩ của mình”. Chị đã dừng chân ở tổng cộng 24 tỉnh thành, dọc theo quốc lộ 1A, xuất phát từ Hà Nội đến Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh... tới TP. HCM và dừng chân ở Cà Mau.
Đến mỗi một tỉnh thành, “có nhiều người thấy việc làm của chị ý nghĩa cũng ra tay giúp nhưng chỉ được một khoảng thời gian ngắn vì họ còn có gia đình, cuộc sống riêng”, chị Thủy kể tiếp.
Trong cả chặng đường dài, dường như mọi khó khăn thử thách chẳng làm chùn bước được cô gái bé nhỏ với ước mơ lớn, ước mơ “góp sức mình để bảo vệ môi trường, ngăn biến đổi khí hậu”. “Chị đã vượt qua được những sợ hãi và khó khăn để đạt được mục đích của mình đấy là truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường. Kỷ niệm mà chị nhớ nhất có lẽ đó là chị được có cơ hội truyền cảm hứng và học tập, lắng nghe và cảm nhận với từng người mà chị được gặp trên hành trình ấy, từng vùng đất mà chị đi qua, từng quãng đường, dòng sông, và đất trời. Sẽ thật khó để so sánh là đáng nhớ nhất, nhưng suy cho cùng mỗi thử giữ một vị trí nhất định quan trọng trong trái tim và là duy nhất”.
Hành động nhỏ nhưng lan tỏa nhiều ý nghĩa
Chị Thủy kể hăng say về những cảm nhận và triết lý cuộc sống cho chúng tôi nghe: “Môi trường sống của chúng ta đang bị đe dọa mỗi ngày bởi hàng tấn rác thải, hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu… Dù nhận thức được sự biến đổi ngày càng tệ của môi trường nhưng không phải ai cũng lắng nghe và phản ứng lại với tiếng kêu cứu từ thiên nhiên. Lady Bird Johson từng nói: “Môi trường là nơi chúng ta gặp nhau, là nơi đem lại lợi ích cho mọi người, là điều mà tất cả chúng ta đều chia sẻ”. Thiên nhiên đã ưu ái cho chúng ta nhiều đến vậy, tại sao chúng ta lại đối xử với thiên nhiên một cách quá độc ác. Biểu hiện đó khi ra đường đeo khẩu trang, bịt mũi mỗi khi đi qua đống rác...”
Chị Thủy giao lưu với các bạn sinh viên tại sự kiện ngày tử tế. |
“Môi trường là tài sản chung mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ, sử dụng. Cũng chính vì lý do đó, mỗi người nên thay đổi thái độ hời hợt và chú ý hơn đến từng hành động tác động đến môi trường”, chị Thủy lý giải.
Chị Thủy cho biết mình hành động vì có 3 lý do, điều đầu tiên, chị muốn hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống, thứ 2 là từ những điều từ thực tế thôi thúc bản thân chị phải đứng lên hành động, thứ 3 là từ những việc làm bảo vệ môi trường của những con người rất đỗi bình thường.
Lặng lẽ cùng những vòng bánh xe đạp lăn, men theo những tuyến phố, hễ có túi ni lông, giấy, chai lọ… thì chị lại dừng xe, nhặt bỏ vào túi mà mình mang theo dọc chuyến hành trình. Nhiều người dân bên đường khi thấy vậy cũng mang rác bỏ vào. Khi túi đã đầy, chị cùng mọi người lại chuyển rác vào thùng cố định bên đường, rồi lại tiếp tục cuộc hành trình.
Những hành động nhỏ của chị Thủy không phải một mình gánh vác trọng trách gom rác, mà đó là hành động truyền đi bức thông điệp bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta.