Không còn cảnh thiếu ý thức tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Những ngày gần đây, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trên Đại lộ Thăng Long (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân, đặc biệt là các bậc phụ huynh, học sinh và giới trẻ.
Trưng bày "Phút hồi sinh" tại Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày Sức hút từ những hiện vật lịch sử qua lăng kính của giới trẻ Ấn tượng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trong ngày đầu mở cửa

Nhiều chuyển biến về ý thức của khách tham quan

Vài ngày trước, hình ảnh về hành vi thiếu ý thức của một số khách tham quan, như leo trèo, đùa nghịch trên xe tăng, máy bay và các vũ khí trưng bày đã lan truyền trên mạng xã hội, khiến nhiều người không khỏi lo ngại về nguy cơ hư hại những di sản vô giá của dân tộc.

Không còn cảnh thiếu ý thức tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Có phụ huynh thậm chí còn "giục giã" con trèo lên xe tăng chỉ để có những tấm ảnh đẹp

Đây không phải là lần đầu tiên hành vi thiếu ý thức tại các bảo tàng trở thành vấn đề công chúng quan tâm. Năm 2016, khi Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam mở cửa miễn phí, tình trạng quá tải và thiếu kiểm soát cũng dẫn đến những hành động tương tự. Các hiện vật mẫu vật quý hiếm từng bị khách chạm tay, đụng vào bất chấp các biển cảnh báo.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ hiện vật và xây dựng môi trường tham quan văn minh, Ban Quản lý Bảo tàng đã triển khai các biện pháp quản lý quyết liệt. Cụ thể, dây chăng bảo vệ được đặt quanh những khu vực, đồng thời bố trí thêm lực lượng giám sát tại các điểm trọng yếu để nhắc nhở và hướng dẫn khách tham quan. Nhờ vậy, không còn xuất hiện tình trạng leo trèo, đùa nghịch trên hiện vật như trước đây. Ý thức của khách tham quan đã cải thiện rõ rệt.

Ghi nhận của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô vào ngày 15/11 cho thấy, sau nhiều phản ánh qua các trang mạng xã hội, ý thức du khách tham quan Bảo tàng đã có những thay đổi đáng mừng.

Không còn cảnh thiếu ý thức tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Người dân tham quan đã tự ý thức về việc tham quan bảo tàng một cách văn minh hơn

Ông Trần Hữu Thắng (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: "Là một cựu chiến binh, tôi rất trân trọng 'kho báu' vô giá mà bảo tàng đang lưu giữ. Việc các bạn trẻ thiếu tôn trọng với những hiện vật khiến tôi rất buồn khi thấy các hình ảnh chưa đẹp lan truyền trên mạng internet. Tuy nhiên, hôm nay tới, tôi rất mừng vì các bạn trẻ tỏ ra rất thận trọng khi xem xét hiện vật, thậm chí còn ghi chép lại các thông tin. Ngoài ra, các hiện vật lớn như xe tăng, pháo cối, xe hơi cổ,... đã được chăng dây bảo vệ, người dân cũng bảo nhau không chạm vào hiện vật. Sai thì phải sửa, không được để thành hiện trạng 'cá mè một lứa', thấy người khác làm thì mình cũng làm theo".

Không còn cảnh thiếu ý thức tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Ông Trần Hữu Thắng và vợ - bà Vương Thị Bộ đều là những cựu TNXP từng chiến đấu trên nhiều mặt trận khi xưa

Khách tham quan đã bắt đầu hình thành thói quen tốt, tôn trọng các quy định tại bảo tàng và chú trọng hơn đến hành vi của mình. Đặc biệt, nhiều bậc phụ huynh đã quan tâm sát sao, nhắc nhở con em mình giữ gìn trật tự, không tự ý chạm vào hiện vật trưng bày. Các gia đình cũng đã tận dụng cơ hội tham quan Bảo tàng như một buổi học lịch sử thực tiễn, truyền tải cho trẻ nhỏ sự tôn trọng đối với các giá trị di sản, góp phần vào việc giáo dục và bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc.

Không còn cảnh thiếu ý thức tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Các bạn trẻ rất chăm chú nghe vị cựu chiến binh kể lại chuyện chiến đấu năm xưa và giải thích về các hiện vật trong bảo tàng

Bà Nguyễn Thị Thơm (Khoái Châu, Hưng Yên) đã dắt theo hai cháu nhỏ tham quan bảo tàng. Người cựu chiến sĩ TNXP rất tự hào khi chỉ cho các cháu từng món đồ quen thuộc của bà trong quá khứ, giáo dục giá trị của hai chữ "hòa bình" cho thế hệ đi sau.
"Bảo tàng là nơi tuyệt vời để chúng tôi ôn lại hồi ức cũ" - bà Thơm nói - "Tôi mong cộng đồng biết hiểu và yêu lấy những gì được bảo quản nơi đây. Đó không chỉ là những thứ vô tri, nhờ chúng mà đất nước, dân tộc Việt Nam mới từng bước tiến tới tự do, độc lập như ngày hôm nay. Một mình dẫn hai cháu đi có thể vất vả trông nom, nhưng tôi cho rằng, bản thân tôi có trách nhiệm hướng dẫn, giáo dục các cháu hiểu về đất nước Việt Nam, hiểu về quá khứ mà ông bà chúng đã trải qua. Nhờ đó, tình yêu đất nước và lòng tự hào, tự tôn dân tộc sẽ tiếp tục được truyền thừa đến nhiều đời sau".

Không còn cảnh thiếu ý thức tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Thơm và hai cháu

Cần xử lý nghiêm hành vi thiếu ý thức

Theo quy định tại khoản 6 Điều 20 của Văn bản hợp nhất 505/VBHN-BVHTTDL năm 2023, hành vi làm hư hại hiện vật trong bảo tàng có thể bị phạt từ 30.000.000 - 40.000.000 đồng. Đây là mức xử phạt nghiêm khắc nhằm bảo vệ các hiện vật trước những hành vi thiếu ý thức.

Không còn cảnh thiếu ý thức tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Bảo tàng đã chăng dây nhằm bảo vệ hiện vật

Bạn Đinh Thị Huyền (Nam Từ Liêm) bày tỏ: "Mình cho rằng, việc xử phạt thật nghiêm những trường hợp thiếu ý thức, thiếu tôn trọng hiện vật lịch sử rất quan trọng. Chúng ta không nên bỏ qua những lỗi nhỏ, cho rằng đó là chuyện vặt vãnh. Bởi từ những mầm mống tiêu cực đó có thể phát triển thành những lỗi vi phạm lớn hơn nhanh đến không tưởng. Trên thế giới đã có nhiều trường hợp khách tham quan vô tư phá hủy hiện vật trưng bày trong bảo tàng vì thiếu hiểu biết, thiếu ý thức. Mình không muốn điều đó xảy ra với những di vật quý giá mà Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang dày công lưu giữ".

Không còn cảnh thiếu ý thức tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Bạn Đinh Thị Huyền chia sẻ: "Không thể bỏ qua những lỗi nhỏ vì chúng sẽ nhanh chóng phát triển thành những hệ lụy lớn hơn"

Anh Phạm Thành An (Quý Châu, Nghệ An) nói: "Đưa con nhỏ đến các nơi như bảo tàng, triển lãm, di tích lịch sử... là điều rất quan trọng trong việc giáo dục tinh thần, tư tưởng và kiến thức cho các cháu. Nhưng để trải nghiệm đó được trọn vẹn, chính các bậc phụ huynh phải tự nhìn nhận lại bản thân mình trong việc dạy dỗ và quản lý con cái. Những hình ảnh xấu tại Bảo tàng thời gian trước là lời cảnh báo dành cho sự vô ý thức đó.

"Trẻ em như tờ giấy trắng", để giáo dục con cái cần sự cẩn trọng trong từng bước và có sự quyết liệt nhằm chấn chỉnh hành vi sai trái. Phụ huynh không thể biện hộ cho sự vô ý thức đó với những câu như "trẻ con biết gì đâu", bởi con cái chính là tấm gương phản chiếu rõ ràng nhất về cha mẹ".

Không còn cảnh thiếu ý thức tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Cậu bé nghiêm trang giơ tay chào trước mô hình tàu chiến vượt sóng biển Đông

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trưng bày hơn 150.000 hiện vật giá trị, trong đó có nhiều bảo vật quốc gia như máy bay MIG-21, xe tăng T54B và bản đồ chiến dịch Hồ Chí Minh, Đây còn là nơi khơi dậy lòng tự hào dân tộc và niềm đam mê tìm hiểu lịch sử trong mỗi người Việt.

Tùng Linh
Phiên bản di động