Cảnh báo đột quỵ và ngừng tim từ trào lưu "bắt pen"

Mạng xã hội gần đây tràn ngập những xu hướng và trào lưu mới mẻ, thu hút sự tham gia của nhiều người trẻ. Tuy nhiên, không phải tất cả các trào lưu đều an toàn. Một trong những xu hướng đang gây lo ngại là "bắt pen" – một hành động nguy hiểm có thể gây đột quỵ, ngừng tim, thậm chí là tử vong.
Những chuyến du lịch tốn kém của người trẻ Giới trẻ hưởng ứng trào lưu "Mỗi mái nhà là một lá cờ Tổ quốc"

"Bắt pen" là gì?

"Bắt pen" không phải là trò chơi thể thao hay hoạt động lành mạnh nào liên quan đến bóng đá, mà là một hành vi trong đó người chơi dùng tay ép mạnh vào hai bên mạch máu cảnh ở cổ của người khác để tạo ra cảm giác lâng lâng hay "phê pha giả tạo". Theo các chuyên gia y tế, chính việc kích thích mạch máu vùng cổ này đã tiềm ẩn những rủi ro khó lường.

Trả lời báo chí, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP Hồ Chí Minh, giải thích rằng động mạch cảnh chịu trách nhiệm cung cấp khoảng 70-80% lưu lượng máu cho não. Khi động mạch này bị chèn ép, lượng máu lên não sẽ giảm đột ngột. Nếu áp lực kéo dài, tình trạng thiếu máu não nghiêm trọng có thể xảy ra, dẫn đến ngất xỉu, tổn thương não, hoặc đột quỵ. Các tế bào não nếu không được cung cấp đủ máu trong 5 phút sẽ tổn thương vĩnh viễn và không thể phục hồi.

Cảnh báo đột quỵ và ngừng tim từ trào lưu "bắt pen"
Hình ảnh trò "bắt pen" được cắt từ clip Tiktok

Ngoài ra, ở khu vực động mạch cảnh còn có xoang cảnh – bộ phận đóng vai trò điều hòa nhịp tim và huyết áp. Việc ấn mạnh vào khu vực này không chỉ làm gián đoạn lưu thông máu mà còn kích hoạt các phản xạ nguy hiểm, dẫn đến tình trạng chậm nhịp tim, ngừng tim đột ngột và tử vong. Thậm chí, hành động này còn gây tổn thương dây thần kinh, mạch máu và các mô mềm xung quanh vùng cổ, làm tăng nguy cơ chấn thương nghiêm trọng.

Hệ lụy của việc chạy theo các trào lưu trên mạng xã hội

Sự phát triển của mạng xã hội như TikTok đã mở ra một không gian mới cho các trào lưu giải trí. Tuy nhiên, bên cạnh những nội dung tích cực, không ít trào lưu tiêu cực đã trở thành mối đe dọa cho sức khỏe và an toàn cộng đồng. Trò "bắt pen" là một trong những ví dụ điển hình.

Điều đáng báo động là nhiều người trẻ tham gia những thử thách này chỉ để thỏa mãn sự hiếu kỳ hoặc tìm kiếm vài giây nổi tiếng trên mạng mà không lường trước được hậu quả. Khi một hành động nguy hiểm được quay lại và chia sẻ rộng rãi, nó nhanh chóng trở thành trào lưu, khiến nhiều thanh thiếu niên bắt chước mà không có đủ kiến thức và nhận thức cần thiết.

Cảnh báo đột quỵ và ngừng tim từ trào lưu "bắt pen"
Hệ thống động mạch cảnh đóng vai trò tuần hoàn máu và oxy lên não

Một minh chứng rõ ràng về tác hại của việc đua theo các trào lưu độc hại trên mạng là vụ việc một cậu bé 10 tuổi ở Hà Nội bị vỡ mũi do bắt chước trend “bẻ đồ long đao". Những tai nạn như vậy không chỉ gây tổn thương về thể chất mà còn để lại tác động tâm lý nặng nề, ảnh hưởng lâu dài đến nạn nhân và gia đình.

Cảnh báo đột quỵ và ngừng tim từ trào lưu "bắt pen"
Trend "bẻ đồ long đao" từng khiến nhiều bạn trẻ bị chấn thương do không kiểm soát được thanh kháng lực

Theo CDC Hà Nội, trào lưu "bắt pen" cần được cảnh báo và ngăn chặn kịp thời để tránh những hậu quả đau lòng. Mỗi người dùng mạng xã hội cần trang bị cho mình khả năng nhận diện những nội dung độc hại và tránh xa các hành vi nguy hiểm. Sự tỉnh táo trong việc lựa chọn nội dung và tham gia các trào lưu không chỉ bảo vệ bản thân mà còn giúp xây dựng môi trường mạng an toàn hơn.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng gia đình và nhà trường cần đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục thanh thiếu niên về các nguy cơ từ mạng xã hội. Khi trẻ được trang bị kiến thức đầy đủ, các em sẽ có sức đề kháng tốt hơn trước những ảnh hưởng tiêu cực. Bên cạnh đó, việc thường xuyên theo dõi, định hướng và chia sẻ cùng con cái sẽ giúp phụ huynh phát hiện sớm các vấn đề và can thiệp kịp thời.

Trào lưu "bắt pen" là lời cảnh tỉnh về sức mạnh lan truyền của mạng xã hội và những hiểm họa tiềm ẩn đối với giới trẻ. Để ngăn chặn những hành vi nguy hiểm này, mỗi cá nhân cần chủ động trong việc trang bị kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ. Gia đình, nhà trường và xã hội cần phối hợp chặt chẽ để giáo dục và tạo ra môi trường an toàn cho thế hệ trẻ.

Sự tỉnh táo và hiểu biết sẽ giúp chúng ta tránh được những bi kịch không đáng có, đồng thời xây dựng một cộng đồng mạng tích cực và lành mạnh hơn.

Tùng Linh
Phiên bản di động