Hải Dương: Phát triển sản phẩm OCOP, hướng đến xuất khẩu
Ông Bùi Văn Thăng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương. |
Chiều 23/12, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2022.
Trong số 91 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng đợt này có 5 sản phẩm cấp lại sao, 2 sản phẩm nâng hạng sao và 84 sản phẩm đánh giá lần đầu của 65 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất, hộ kinh doanh, xí nghiệp chế biến, cơ sở sản xuất ở 12 huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh buổi đánh giá, xếp hạng 91 sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2022 |
Trong đó, huyện Bình Giang có 4 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng; huyện Kim Thành có 9 sản phẩm; huyện Thanh Hà có 4 sản phẩm; thị xã Kinh Môn có 11 sản phẩm; huyện Cẩm Giàng có 8 sản phẩm; huyện Nam Sách có 7 sản phẩm; huyện Gia Lộc có 13 sản phẩm; huyện Thanh Miện có 6 sản phẩm; thành phố Chí Linh có 13 sản phẩm; thành phố Hải Dương có 5 sản phẩm; huyện Ninh Giang có 10 sản phẩm; huyện Tứ Kỳ có 1 sản phẩm.
Hội đồng đánh giá tham quan các sản phẩm OCOP đợt 2. |
Theo đánh giá tại hội nghị, các sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng đợt này có mẫu mã đẹp, chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường. Ngoài các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, còn nhiều sản phẩm thuộc nhóm đồ uống như rượu, mật ong… có thiết kế bao bì đẹp mắt.
Các sản phẩm tham gia đánh giá OCOP đợt 2 năm 2022. |
Trên cơ sở kết quả chấm điểm của tổ tư vấn giúp việc, các thành viên Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hải Dương đã nghiên cứu, đánh giá và chấm điểm cho các sản phẩm tham gia chương trình.
Theo đó, 25 sản phẩm được xếp hạng 4 sao, 66 sản phẩm được xếp hạng 3 sao. Với kết quả này, Hội đồng sẽ trình UBND tỉnh xem xét và quyết định công nhận trong thời gian tới.
Cũng tại hội nghị, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hải Dương đề nghị các chủ thể cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, nhãn hiệu. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, địa phương và chủ thể cần tăng cường kết nối, xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư máy móc, thiết bị để bảo đảm chuỗi sản xuất và tiêu thụ ổn định.
Theo bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, ở Hải Dương việc triển khai thực chương trình OCOP ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ. Điển hình như trong năm 2022, thời điểm đánh giá đợt 1 chỉ có hơn 20 sản phẩm tham gia OCOP, tuy nhiên đến đợt 2 có hơn 90 sản phẩm tham gia. Hiện còn rất nhiều chủ thể tiếp tục muốn đăng ký sản phẩm tham gia chương trình OCOP.
Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương. |
Các sản phẩm tham gia OCOP năm nay đều gắn với các vùng miền, mang nét đặc trưng riêng của mỗi địa phương trong tỉnh, như vùng đền Cao An Phụ (thị xã Kinh Môn) có gạo nếp cái hoa vàng rất đặc trưng; ở thành phố Chí Linh có những sản phẩm bên cạnh phục vụ tiêu dùng tại địa phương còn đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến với lễ hội, du lịch tâm linh tại địa phương như bánh chưng, bánh dày, bánh giò.
Tại vùng vải thiều Thanh Hà, người dân còn khai thác mật ong, vải sấy khô, rượu chế biến từ vải, các sản phẩm khác từ vải… thông qua những hoạt động trong chương trình OCOP, người dân đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng cho nhóm sản phẩm của địa phương.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền đến các chủ thể có sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao phấn đấu được chứng nhận cấp sao cao hơn để sản phẩm không những phục vụ khách hàng trong vùng và các tỉnh, thành phố trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, đối với các chủ thể chưa tham gia hoặc tham gia mà sản phẩm chưa đạt, chúng tôi tiếp tục động viên, khuyến khích để phấn đấu mỗi một năm Hải Dương có thêm nhiều hơn những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP”, bà Lương Thị Kiểm nhấn mạnh.
Ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Minh Đức (thôn Nam Cầu, xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc) cho biết, hiện hợp tác xã có sản phẩm bắp cải Tân Minh Đức đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Sau 3 năm tham gia chương trình OCOP, sản phẩm bắp cải của hợp tác xã được nhiều người tiêu dùng biết đến, việc tiêu thụ sản phẩm cũng thuận lợi hơn.
Ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Minh Đức. |
Đến nay hợp tác xã có tổng diện tích canh tác 37ha tại xã Phạm Trấn sản xuất quanh năm các loại rau quả như su hào, bắp cải, cà chua, súp lơ, cải thảo, dưa leo, dưa lưới, bầu, cà, bí, mướp theo tiêu chuẩn VietGAP.
Thời gian tới, hợp tác xã sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và tích cực tham gia chương trình OCOP. Đồng thời đa dạng thêm sản phẩm, phấn đấu sản phẩm bắp cải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu.