Du lịch làng nghề: Hướng đi tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa

Khi nhu cầu du lịch trải nghiệm đang trở thành xu hướng trong xã hội, Thủ đô Hà Nội có thể xây dựng các làng nghề trở thành điểm đến hấp dẫn. Từ đó, tìm ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế địa phương, xây dựng công nghiệp văn hóa từ các sản phẩm truyền thống.
Dân làng nghề mong Nghị quyết đi vào cuộc sống

Những làng quê vươn mình

Được biết đến với danh xưng tốt đẹp là "đất trăm nghề", huyện Thường Tín (Hà Nội) đã và đang bước đi đúng hướng trong việc tận dụng các lợi thế từ truyền thống ngàn năm để trở thành động lực phát triển.

Lấy một ví dụ điển hình, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, năm 2024, người dân xã Vân Tảo đã có mùa đào “bội thu” dù trước đó gặp nhiều khó khăn do mưa, bão.

Anh Nguyễn Trung Dũng, xã Vân Tảo chia sẻ, gia đình anh có gần 300 gốc đào cảnh cho thuê và đào cành bán; nhờ đào được giá nên mang lại thu nhập cao cho gia đình.

Lãnh đạo UBND huyện Thường Tín kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh tại làng nghề xã Duyên Thái.
Lãnh đạo huyện Thường Tín kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh tại làng nghề xã Duyên Thái.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Vân Tảo trở thành điểm sáng của huyện Thường Tín về phát triển kinh tế, xây dựng NTM.

Được biết, Vân Tảo phát triển nghề trồng hoa đào từ năm 1990 và ngày càng mở rộng diện tích. Đến nay, xã có hơn 1.200 hộ với 93ha trồng hoa đào, thu khoảng 1,5 tỷ đồng/ha/năm.

Nhiều gia đình còn thuê thêm gần 30ha đất nông nghiệp ở các xã: Tự Nhiên, Chương Dương để trồng đào.

Không chỉ có kinh nghiệm, những người trồng đào của xã Vân Tảo còn nắm vững và áp dụng khoa học kỹ thuật: Cưa cành, cắt tỉa lá, ghép mắt, bọc nilon, sưởi điện… để đào ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán, giúp người dân địa phương có thu nhập cao. Chính vì vậy, cây đào đang là cây chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây khác ở Vân Tảo.

Hoa đào được vận chuyển từ Thường Tín, Mê Linh hoặc Văn Giang (Hưng Yên) tại khu vực đường trục phát triển thị xã Sơn Tây. Năm nay, thị xã Sơn Tây chuyển chợ hoa Xuân tới vị trí mới nhằm tạo thuận lợi cho việc mua sắm của người dân.
Hoa đào được vận chuyển từ Thường Tín đến với nhiều địa phương của Thủ đô

“Đến nay, Vân Tảo đã có 2 thôn: Nội Thôn, Đông Thai được UBND TP Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống hoa - cây cảnh. Nghề trồng hoa đào tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương, thu nhập bình quân 10 - 15 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ trồng và bán cây, người dân còn biến các vườn đào bung nở thành điểm check-in, du lịch hấp dẫn. Từ đó, nâng cao thu nhập. Cây hoa đào góp phần đưa cuộc sống người dân Vân Tảo ngày càng sung túc và nông thôn khởi sắc”, Chủ tịch UBND xã Vân Tảo Nguyễn Văn Hoàn cho biết.

Không riêng Vân Tảo, các xã của huyện Thường Tín đều có hướng đi hiệu quả. Với những xã có nghề như: Nhị Khê, Duyên Thái, Hồng Vân… tập trung phát triển nghề và dịch vụ nghề. Các xã có khu di tích, công trình văn hóa tập trung phát triển du lịch. Nhờ nhạy bén, các địa phương phát triển khá đồng đều. Đơn cử như xã Duyên Thái nổi tiếng với 2 làng nghề sơn mài Hạ Thái và làm vàng mã Phúc Am.

Bí thư Đảng ủy xã Duyên Thái Nguyễn Thị Thanh Hoa cho biết, ngoài làng nghề vàng mã Phúc Am, Duyên Thái còn nổi danh với nghề sơn mài từ hơn 200 năm nay. Để thúc đẩy phát triển kinh tế làng nghề, xã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội giới thiệu tour "Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái" nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Đây cũng là tiền đề để Duyên Thái sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Đưa du khách đến với làng nghề

Trường hợp của huyện Thường Tín là điển hình tiêu biểu trong việc giữ nghề truyền thống, đồng thời, đẩy mạnh quảng bá du lịch từ các làng nghề. Thực tế, tại Hà Nội, những mô hình như vậy đang phát triển ở hầu hết các địa phương có nghề.

Được biết, nước ta hiện có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề, trong đó Hà Nội chiếm hơn 1.300 làng nghề. Dẫu có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước, nhiều làng nghề vẫn gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, thiếu đổi mới thiết kế, công nghệ, hoặc chưa gắn kết hiệu quả với thị trường và du lịch.

Phó Chủ tịch Hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Trần Thị Ngọc Lan
i Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông) là điểm thu hút đông đảo du khách

Để giải quyết bài toán đó, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó nổi bật là việc gắn kết làng nghề với chương trình OCOP và phát triển du lịch trải nghiệm.

Theo Sở Công thương Hà Nội, chương trình OCOP được triển khai tại Hà Nội từ năm 2019 đã nhanh chóng trở thành "đòn bẩy" để nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề. Với hệ thống đánh giá từ 3 đến 5 sao, các sản phẩm OCOP phải đáp ứng tiêu chí khắt khe về chất lượng, bao bì, truy xuất nguồn gốc, khả năng thương mại hóa.

Tính đến hết năm 2024, Hà Nội đã có 3.317 sản phẩm được chứng nhận (chiếm 22,1% sản phẩm OCOP cả nước). Nhiều sản phẩm sau khi đạt chuẩn OCOP đã được đưa vào hệ thống siêu thị lớn, sàn thương mại điện tử và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.Hằng năm, thành phố Hà Nội đã quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển sản phẩm để tạo điều kiện cho các sản phẩm OCOP của Hà Nội.

Ngoài ra, thành phố đã xây dựng được 16 trung tâm sáng tạo, thiết kế, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, làng nghề; phát triển được 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tạo điều kiện để người tiêu dùng Thủ đô nhận diện vào tiêu thụ sản phẩm.

Tham quan sản phẩm OCOP đặt trưng của Hà Nội
Tham quan sản phẩm OCOP đặt trưng của Hà Nội

Sở Công thương Hà Nội cho hay, việc thành lập các Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch sẽ giúp kiến tạo môi trường triển khai các hoạt động hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ thể sản xuất kinh doanh làng nghề hình thành và phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn Thành phố.

Đồng thời, nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất - chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Vũ Cường
Phiên bản di động