Hải Dương: Lễ hội đền Xưa và mùa Xuân Văn miếu Mao Điền năm 2023
Chủ tịch tỉnh Hải Dương: Đầu tư dự án nào phải hoàn thiện công trình đó Khát vọng làm giàu trên những cánh đồng bỏ hoang Đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu |
Sau 3 năm không tổ chức lễ hội do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, năm nay, lễ hội đền Xưa và lễ hội mùa Xuân Văn miếu Mao Điền trở lợi với quy mô tổ chức cấp huyện.
Theo đó, lễ hội đền Xưa diễn ra trong hai ngày 5 - 6/3 (tức 14 - 15/2 Âm lịch) với các phần lễ: Lễ cáo yết, lễ dâng hương Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh, lễ chữ; phần hội với những trò chơi dân gian: đập niêu, đi cầu kiều, giao lưu văn nghệ… Ngoài ra trong những ngày hội còn có các hoạt động như triển lãm thư pháp, bắt mạch kê đơn, tư vấn sức khỏe…
Đền Xưa (Cẩm Giàng, Hải Dương), nơi thờ chính Đại Danh y Tuệ Tĩnh. |
Đền Xưa nằm trong cụm di tích quốc gia đặc biệt Đền Xưa - Chùa Giám - Đền Bia lại gắn liền với tên tuổi và là bằng chứng vật chất về cấp độ nổi tiếng, sức lan tỏa ảnh hưởng của Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh.
Đền Xưa ở xã Cẩm Vũ (nơi ông sinh ra) được khởi dựng vào khoảng thế kỷ XVII. Di tích được xếp hạng cấp quốc gia năm 1990 và còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị.
Chùa Giám ở xã Cẩm Sơn (nơi Tuệ Tĩnh tu tập, học hành, nghiên cứu các bài thuốc dân gian) tương truyền được khởi dựng từ thời Lý. Tại gian nhà tổ chùa Giám đặt tượng thờ Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh - người có nhiều công lao trong việc xây dựng cảnh chùa và hoằng dương Phật Pháp.
Chùa Giám được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1974. Nơi đây hiện còn bảo lưu Tòa Cửu phẩm Liên hoa - 1 trong 3 kiệt tác kiến trúc gỗ Phật giáo chỉ xuất hiện vào thế kỷ XVII đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015.
Đền Bia ở xã Cẩm Văn được khởi dựng từ thời Lê, thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh và tấm bia đá thời Lê. Năm 1993, di tích đền Bia đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Lễ hội mùa Xuân Văn miếu Mao Điền diễn ra trong ba ngày từ 7 - 9/3 (tức 16 - 18/2 Âm lịch) với các phần lễ: Lễ dâng hương Đức Thánh Khổng Tử cùng các vị đại khoa, lễ chữ dâng Thánh; phần hội tổ chức các trò chơi dân gian, giải cờ tướng tỉnh Hải Dương năm 2023, hát quan họ, giao lưu văn nghệ…
Hải Dương: Lễ hội đền Xưa và mùa Xuân Văn miếu Mao Điền năm 2023 |
Lễ hội Văn miếu Mao Điền hằng năm được tổ chức nhằm giáo dục truyền thống hiếu học, “Tôn sư trọng đạo”, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa. Bên cạnh lễ được tổ chức trang trọng, hội cũng có nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, đậm chất truyền thống.
Ngày 7/3, tại sân Bái đường sẽ khai mạc giải thi đấu cờ tướng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức.
Sau lễ tế khai hội, tiến chữ dâng Thánh, văn tế Đức Thánh Khổng Tử cùng các vị đại khoa... sẽ là các cuộc thi viết chữ đẹp, “Rung chuông vàng”, trưng bày chuyên đề “Văn miếu Mao Điền xưa và nay”, giới thiệu thân thế sự nghiệp Đức Thánh Khổng Tử và các vị đại khoa phối thờ tại di tích, trường thi xưa; trưng bày hoa lan với chủ đề “Sắc xuân”; hoạt động thư pháp; giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.
Văn miếu Mao Điền thuộc xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) hiện nay vốn là nơi kế thừa, tiếp nối của Văn miếu trấn Hải Dương được khởi dựng từ thời Lê Sơ (thế kỷ XV) tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An (nay là xã Vĩnh Tuy, Bình Giang). Năm 1800, Văn miếu trấn Hải Dương được di chuyển về hợp nhất với Trường thi hương ở xã Mao Điền (cũng được xây dựng cùng thời) tạo thành một trung tâm đào tạo nhân tài, tôn vinh học vấn, tạo nguồn lực xây dựng đất nước và tồn tại cho đến ngày nay.
Văn miếu Mao Điền và cụm di tích Đền Xưa - Chùa Giám - Đền Bia được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2017.