Khát vọng làm giàu trên những cánh đồng bỏ hoang
Vốn là con nhà nông, từ nhỏ anh Hoàng Huy Minh đã có niềm đam mê với nông nghiệp.
Năm 2012 sau khi học xong bằng cử nhân Học viện hành chính Quốc gia Hà Nội, anh Minh trở về quê hỗ trợ gia đình phát triển sản xuất nông nghiệp.
Anh Minh chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã thường xuyên theo bố mẹ ra đồng tham gia sản xuất. Đến khi vào lớp 10, sau mỗi giờ học, tôi thường theo bố để hỗ trợ lái máy cày. Mặc dù công việc vất vả nhưng khi thả sức ngoài đồng ruộng tôi cảm thấy rất vui khi được thỏa đam mê”.
Năm 2016, anh Minh tham gia công tác đoàn và đảm nhận vai trò Bí thư Chi đoàn thôn Vạn Tải Đông (xã Hồng Phong, Nam Sách, Hải Dương).
Sau vài lần tham gia các lớp tập huấn và tham quan các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cùng với đầu óc nhạy bén, anh Minh đã làm thủ tục vay vốn ngân hàng mua 1 chiếc máy gặt nhỏ vừa để phục vụ cho gia đình vừa đáp ứng nhu cầu của người dân trong xã.
Khi nhu cầu của người dân ngày càng lớn, 1 chiếc máy gặt không đáp ứng đủ, anh tiếp tục vay vốn mua thêm 1 chiếc máy gặt công suất lớn để mỗi mùa vụ, hai bố con anh mỗi người lái 1 chiếc phục vụ người dân.
Vốn có phương tiện sản xuất nên khi thấy bà con đi làm công ty bỏ ruộng không cấy, hoặc đất của các công ty, doanh nghiệp chưa sử dụng, anh Minh đã xin hoặc thuê lại để canh tác. Những khó khăn bắt đầu xuất hiện từ đây. Ruộng bỏ hoang cỏ dại, chuột, ốc bươu vàng nhiều vô kể.
Anh Minh phải dày công cải tạo đất, thuê nhân công dọn cỏ bờ vùng, bờ thửa, diệt chuột, diệt ốc. Đến nay gia đình anh đã tích tụ được gần 18 mẫu. Trong đó, có 3 mẫu chuyên trồng mầu và 15 mẫu chuyên cấy lúa Q5.
Đối với lúa, anh Minh thực hiện cấy 1 giống ở cùng 1 vùng để thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch. Mỗi năm 2 vụ lúa, gia đình anh Minh thu về từ 17 đến 20 tấn thóc tươi, thu trên 200 triệu đồng.
Cùng với gieo cấy lúa, anh Minh còn tìm hiểu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Hiện gia đình anh trồng 5 sào táo giống đại và hồng xiêm. Diện tích còn lại trồng các cây mầu thời vụ đáp ứng nhu cầu thị trường như: Xu hào, bắp cải, súp lơ, dưa chuột, dưa lê, ngô,… Với nhiều loại cây trồng, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình anh Minh thu lãi từ cây mầu được trên 100 triệu đồng.
Mô hình tích tụ ruộng đất của anh Minh không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần giải quyết việc làm thời vụ cho 5 - 7 lao động với mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng.
Anh Hoàng Huy Minh (trái) tích cực tham gia phong trào Đoàn ở địa phương. |
Tháng 10/2021 anh Minh được bầu giữ chức vụ Bí thư Đoàn xã Hồng Phong. Đảm nhiệm vai trò là thủ lĩnh Đoàn xã, công việc bận rộn và do điều kiện sức khỏe nên anh Minh đã bán máy máy cày, máy gặt. Thay vào đó, anh hợp đồng với các chủ máy ngay từ đầu vụ để đảm bảo sản xuất của gia đình.
Ông Đỗ Trung Thành - Giám đốc Hợp tác xã DVNN Hồng Phong, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Vạn Tải Đông nói: "Anh Minh là một thanh niên mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm. Anh là người đi đầu trong việc tích tụ ruộng đất bỏ hoang để sản xuất lúa hàng hóa tập trung cho hiệu quả kinh tế cao của xã Hồng Phong. Từ mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của anh Minh, thôn Vạn Tải Đông cũng như xã Hồng Phong đã tuyên truyền vận động các hộ dân tích tụ rộng đất để sản xuất lúa hàng hóa đem lại hiệu quả cao và để không còn ruộng bỏ hoang trên địa bàn”.
Ban Thường vụ Huyện Đoàn Nam Sách (Hải Dương) vừa hỗ trợ anh Minh 60kg thóc giống để sản xuất vụ chiêm xuân năm 2023. |
Chị Phùng Thị Mai Anh - Bí thư Huyện Đoàn Nam Sách cho biết, mô hình của Bí thư Đoàn xã Hồng Phong là mô hình đầu tiên của thanh niên Nam Sách trong việc tận dụng diện tích bỏ hoang để sản xuất nông nghiệp. Nhằm động viên, khích lệ anh Minh, Ban Thường vụ Huyện Đoàn vừa hỗ trợ anh Minh 60kg thóc giống để sản xuất vụ chiêm xuân năm 2023.
Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện Đoàn Nam Sách tiếp tục khuyến khích và nhân rộng các mô hình tương tự như mô hình của anh Minh, đồng thời chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện trong việc khuyến khích, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để khởi nghiệp, lập nghiệp. Tiếp tục hỗ trợ, giúp đoàn viên thanh niên tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm… qua đó phát huy tốt vai trò của tổ chức Đoàn, gắn kết các bạn đoàn viên trong công tác cũng như trong phong trào của đoàn, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.