Hà Nội: Thực hiện tốt việc tổ chức lễ hội truyền thống
Khách Tây thích thú với lễ hội truyền thống tại Hà Nội Đặc sắc Lễ hội truyền thống làng Giang Cao Chính phủ cho phép Hải Dương làm Khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long |
Theo thống kê, Hà Nội hiện có 1.661, trong đó có 1.551 lễ hội được tổ chức trong năm 2024. Ngày 23/1/2024, Sở đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024, tại hội nghị đã lồng ghép nội dung triển khai thực hiện “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” đến các quận, huyện, thị xã. Cũng tại hội nghị đã tiến hành ký giao ước thi đua thực hiện các tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống đối với 30 quận, huyện, thị xã.
Lễ hội Gióng đền Phù Đổng |
Tại các địa phương, UBND các quận, huyện, thị xã đã tổ chức ký cam kết việc thực hiện các tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống với các xã, phường, thị trấn, Ban Quản lý các di tích.
Thực hiện Bộ Tiêu chí về môi trường Văn hóa trong lễ hội, UBND các xã, phường có lễ hội diễn ra trên địa bàn đã chỉ đạo các Ban Tổ chức lễ hội cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa tại di tích, lễ hội. Đây là một trong những giải pháp nhằm nâng cao tính hiệu quả trong việc tổ chức các hoạt động lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bài trừ các hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn trong lễ hội
Theo báo cáo của Sở Văn hóa –Thể thao Hà Nội, năm 2024, Sở đã tham mưu UBND TP tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội đối với các quận, huyện, thị xã có các lễ hội quy mô lớn, thời gian kéo dài, phân công rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã; hướng dẫn về công tác chuẩn bị cho việc tổ chức lễ hội.
Công tác tuyên truyền đã được Ban tổ chức các lễ hội chú trọng nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, Nhân dân và du khách thực hiện các quy định về tổ chức và tham gia lễ hội; giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân.
100% địa phương có văn bản hướng dẫn thực hiện bám sát chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao. Ban tổ chức các lễ hội được thành lập gồm: Lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn làm Trưởng ban, đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành đoàn thể, đại diện cấp uỷ, chính quyền thôn, người trụ trì nơi thờ tự (nếu có) có lễ hội là thành viên. Đối với các lễ hội có quy mô lớn, tổ chức dài ngày Sở Văn hóa và Thể thao đều hướng dẫn các địa phương thành lập Ban chỉ đạo cấp quận, huyện, thị xã chỉ đạo trực tiếp việc tổ chức lễ hội và cử cán bộ chuyên môn tham gia.
Công tác quản lý nhà nước đối với các lễ hội trên địa bàn thành phố được triển khai thực hiện đảm bảo tuân thủ đúng các quy định tại Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội. Các lễ hội diễn ra đảm bảo vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và an toàn. Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, trò chơi, trò diễn giàu tính nghệ thuật, đậm chất dân gian được quan tâm đưa vào lễ hội như: Hát quan họ, hát chèo, đấu vật, đánh đu, thổi cơm thi, múa sư tử, kéo co...
Việc tổ chức lễ hội hàng năm tại các địa phương đều được Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo kết hợp với việc tổ chức đón nhận các danh hiệu làng văn hoá, danh hiệu làng nghề, bằng di tích lịch sử văn hoá... làm phong phú hoạt động của lễ hội, góp phần tạo dựng môi trường văn hoá lành mạnh, động viên, khuyến khích Nhân dân giữ gìn, phát huy tốt các giá trị danh hiệu văn hoá, danh hiệu làng nghề truyền thống, các giá trị di sản văn hoá được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Thành phố công nhận xếp hạng, góp phần tích cực vào việc nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hoá tinh thần trong cộng đồng dân cư.