Hà Nội sẽ có một nghị quyết riêng về phát triển nhà ở xã hội

UBND TP Hà Nội đã thống nhất báo cáo với Thành ủy để ban hành một nghị quyết riêng về phát triển nhà ở xã hội và có một chương trình tổ chức triển khai cho toàn hệ thống chính trị...
Thủ tướng yêu cầu xem xét hạ lãi suất cho vay nhà ở xã hội Lãnh đạo Becamex, Hoàng Quân, Viglacera đề xuất gì về nhà ở xã hội?

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, thành phố Hà Nội đã phê duyệt chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, trong đó xác định nhu cầu nhà ở đến năm 2030 là 6,8 triệu m2 sàn tương đương khoảng 110.000 căn hộ.

Trong đó, thành phố Hà Nội cũng đã lên phương án để triển khai kế hoạch nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025, mục tiêu phát triển mới hơn 1,2 triệu m2 sàn tương đương khoảng 20.000 căn hộ.

Tại đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội của Chính phủ, thành phố Hà Nội được giao chỉ tiêu 56.200 căn, trong đó chia ra làm 2 giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.

Theo ông Dương Đức Tuấn, để triển khai nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai lồng ghép với Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Hà Nội sẽ có một nghị quyết riêng về phát triển nhà ở xã hội
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, ngày 26/3.

Đồng thời, thành phố đã lập tổ công tác đặc biệt của UBND TP trực tiếp do Chủ tịch UBND thành phố làm Tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn, trong đó ưu tiên các dự án đầu tư nhà ở xã hội.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết, về tình hình triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn giai đoạn 2021-2023, tổng thể có 63 dự án đã và đang triển khai thực hiện với 4,15 triệu m2 sàn tương đương khoảng 62.000 căn hộ.

Cụ thể, giai đoạn năm 2021-2023 vừa qua đã có 5 dự án và 2 công trình hoàn thành với khoảng 410.000m2 sàn tương đương khoảng 5.200 căn hộ. Ngay trong năm 2024 này, dự kiến chuyển tiếp 3 dự án sẽ phải hoàn thành với 78.000m2 sàn tương đương khoảng 1.180 căn hộ và 9 dự án sẽ khởi công có quy mô 6.400 căn hộ.

Theo ông Dương Đức Tuấn, việc phát triển nhà ở xã hội rất là quan trọng, do đó, UBND TP đã thống nhất báo cáo với Thành ủy Hà Nội để ban hành một nghị quyết và có một chương trình tổ chức triển khai cho toàn hệ thống chính trị.

Mặt khác, hiện nay, việc phát triển một dự án đầu tư còn phức tạp, lãnh đạo UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu báo cáo Chính phủ quy định riêng để lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thủ tục, thời gian so với quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành.

Ông Dương Đức Tuấn cũng kiến nghị tất cả các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, phải chuẩn bị một quỹ đất đầy đủ. Quỹ đất này được xác định theo Luật Nhà ở sửa đổi, được xác định trong quỹ 20% của các khu nhà ở thương mại, khu khu đô thị mới. Hiện nay thành phố đã có quỹ đất trên 400ha, với chương trình 120.000 tỷ đồng, Hà Nội tiếp cận 5 dự án, chúng tôi thấy các điều kiện rất cao.

Cũng theo ông Dương Đức Tuấn, hệ thống ngân hàng thương mại phải đồng hành với Chính phủ, với chính quyền địa phương và các chủ đầu tư, bám sát chương trình, linh hoạt xử lý, tránh trường hợp lãi suất cho vay gói này có khi còn cao hơn mặt bằng lãi suất hiện đã giảm.

Nhà ở có 3 hình thức bán, thuê mua, thuê. Trường hợp bán thì liên quan đến sở hữu, kể cả thuê mua cũng là sở hữu trong tương lai nhưng quỹ nhà ở thuê là rất quan trọng đối với đối tượng thu nhập thấp. Do đó, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đề nghị các bộ, ngành cân đối tỷ lệ giữa cho thuê và sở hữu nhà.

Hậu Lộc
Phiên bản di động