Thủ tướng yêu cầu xem xét hạ lãi suất cho vay nhà ở xã hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm và lãi suất thấp hơn từ 3-5% so với cho vay thương mại...
Lãnh đạo Becamex, Hoàng Quân, Viglacera đề xuất gì về nhà ở xã hội? Ngân hàng nêu khó khăn khi rót vốn cho nhà ở xã hội Sếp Vingroup đề xuất gì để phát triển nhà ở xã hội? Một số địa phương chưa chịu hành động để phát triển nhà ở xã hội

Ngày 16/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối từ trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng trước hết khẳng định, nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như các loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, bảo đảm hạ tầng về y tế, giáo dục, xã hội và các dịch vụ khác, bảo đảm điện nước, nhưng điểm khác là có cơ chế, chính sách phù hợp cho người mua và người bán.

"Không phải những nơi xa xôi, vắng vẻ, những nơi không làm được nhà ở thương mại thì làm nhà ở xã hội, hay không phải nhà ở xã hội thiếu hạ tầng y tế, giáo dục, điện nước, không bảo đảm vệ sinh môi trường…", Thủ tướng khẳng định và lưu ý thêm, nhà ở xã hội ngoài hình thức mua thì phải có thuê và thuê mua.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng yêu cầu xem xét hạ lãi suất cho vay nhà ở xã hội
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu tại hội nghị.

Để phát triển nhà ở xã hội, trong đó triển khai nhanh, hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", Thủ tướng nêu rõ, tất cả các chủ thể có liên quan, mỗi người, mỗi tổ chức trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải phát huy hết khả năng, tâm huyết của mình, tinh thần trách nhiệm cao nhất, chủ động, sáng tạo, kịp thời, cộng với trách nhiệm, đạo đức xã hội để thực hiện các công việc cho tốt, chung tay, góp sức tạo phong trào, xu thế phát triển nhà ở xã hội đúng nghĩa.

"Muốn thực hiện được mục tiêu đề ra, cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc, Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp cùng làm, đặt mình vào địa vị của người khác, trong tôi có anh, trong anh có tôi, đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động", Thủ tướng phát biểu.

Ngay tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trên tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền để giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Thủ tướng yêu cầu xem xét hạ lãi suất cho vay nhà ở xã hội
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận hội nghị.

Trong đó, Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội để tiết kiệm thời gian, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm và lãi suất thấp hơn từ 3-5% so với cho vay thương mại; nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng phù hợp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện cho vay nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2024 - 2025 theo quy định pháp luật về nhà ở. Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ Nhà ở xã hội, chính sách thuế phù hợp.

Với các địa phương,Thủ tướng đề nghị cấp ủy có nghị quyết để lãnh đạo việc phát triển nhà ở xã hội, Hội đồng Nhân dân ban hành các chính sách, quy định phù hợp với đặc thù địa phương, UBND các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện tốt, thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, kịp thời trong điều kiện địa phương, dám chịu trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm không đùn đẩy, né tránh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý các địa phương nhiệm vụ quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Thủ tướng nhấn mạnh một lần nữa những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân, từ đó mới có người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, mua nhà, từ đó phát triển được bất động sản, khu đô thị bền vững.

Đồng thời, có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.

Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lập tiến độ, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn thời gian thi công.

Đối với các dự án đã lựa chọn chủ đầu tư, đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng theo các đồ án quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư đã được phê duyệt; khẩn trương triển khai khởi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình trên quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội; sau khi khởi công dự án cần nhanh chóng cung cấp, công bố công khai, đầy đủ các thông tin liên quan đến dự án để người dân biết đăng ký mua, thuê mua, thuê.

"Các doanh nghiệp, ngân hàng thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm theo luật, đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh để kinh doanh nhà ở xã hội phù hợp tình hình, điều kiện người dân và lưu ý đến điều kiện khó khăn của họ, nhất là với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, công nhân thiếu chỗ ở...

Người dân cũng phải có trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong tiếp cận nhà ở, cố gắng cao nhất trong điều kiện có thể, tinh thần là không ai lo cho mình tốt hơn mình cùng với các chính sách và sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng…", Thủ tướng nói và đề nghị người dân tích cực tham gia xây dựng chính sách, đồng hành trong giải phóng mặt bằng để phát triển nhà ở xã hội.

Hậu Lộc
Phiên bản di động