Hà Nội phát huy vai trò “cầu nối” phát triển du lịch

Những năm gần đây, các địa phương tích cực tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tại Hà Nội, đặc biệt là trong bối cảnh mới sau cao điểm dịch COVID-19. Thực sự, Hà Nội đã và đang phát huy vai trò “cầu nối” phát triển du lịch cho các địa phương trên cả nước.
Xây dựng các sản phẩm du lịch mới mang bản sắc của Thủ đô Hà Nội: Hội tụ và lan tỏa, phát triển lên tầm cao mới Hà Nội nhiều điểm hút khách du lịch dịp 2/9 Hà Nội công khai số điện thoại đường dây nóng đảm bảo chất lượng du lịch dịp 2/9

Tạo cơ hội quảng bá du lịch cho các địa phương

Hà Nội có vị trí và địa thế đẹp, thuận lợi, là Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và đầu mối giao thông quan trọng của cả nước. Là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển du lịch của cả nước nói chung và của Bắc bộ nói riêng.

Với lợi thế là Thủ đô ngàn năm văn hiến, khách du lịch nội địa đến Hà Nội ở vị trí hàng đầu cả nước. Hà Nội còn là trung tâm tiếp nhận và phân phối khách du lịch đến các vùng du lịch phía Bắc và các vùng, miền khác trên lãnh thổ Việt Nam cũng như tới các nước trong khu vực.

Thủ đô nằm ở vị trí trung tâm của miền Bắc, nối giao thông từ Hà Nội đến các tỉnh khác của Việt Nam tương đối thuận tiện, bao gồm cả đường không, đường bộ, đường thủy và đường sắt. Hà Nội cũng là đầu mối giao thông của năm tuyến đường sắt trong nước và một tuyến liên vận sang Bắc Kinh ( Trung Quốc), đi nhiều nước Châu Âu.

Khách du lịch quốc tế đến Thủ đô với nhiều mục đích, trong đó với mục đích du lịch chiếm khoảng 70%, khách công vụ, thương mại, hội nghị hội thảo, thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ chiếm tương ứng 15,9; 4,0 và 2,9%; thăm thân 5,1%.

Với những lợi thế trên, ngành du lịch Thủ đô trong những năm qua đã liên tục phát triển, tạo dấu ấn. Chính vì vậy, việc xúc tiến, quảng bá du lịch các địa phương thông qua hội nghị, triển lãm tại Hà Nội là cơ hội tốt để du lịch các địa phương được truyền thông, trực tiếp giới thiệu những “đặc sản du lịch” của quê hương với lượng lớn du khách khi đến Hà Nội.

Gần đây nhất, chiều 20/10, TP Cần Thơ tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch “Cần Thơ - Đô thị miền sông nước” năm 2022 tại Hà Nội.

Thông qua hội nghị, TP Cần Thơ giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Cần Thơ với TP Hà Nội. Qua đó phát triển thị trường du lịch trọng điểm, tăng cường khai thác khách du lịch, phát triển đường bay Cần Thơ - Hà Nội và ngược lại.

Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch đã trao đổi thông tin, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch, kết nối tour, tuyến; tìm kiếm đối tác, ký kết hợp tác, liên kết, phát triển du lịch giữa Cần Thơ và Hà Nội cũng như một số tỉnh khu vực Bắc Bộ.

Tối 21/10, tại khu nhà Bát Giác, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (Hà Nội), UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức sự kiện du lịch “Sắc màu Sơn La - Tây Bắc” lần thứ 2 năm 2022.

Sự kiện du lịch “Sắc màu Sơn La - Tây Bắc” lần thứ 2 năm 2022 tại Hà Nội có nhiều hoạt động thể hiện nổi bật bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La, qua đó giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương đến với người dân, du khách Hà Nội; Đồng thời, mở ra các cơ hội kết nối du lịch, giao thương, hợp tác giữa Sơn La với các doanh nghiệp Hà Nội và các địa phương khác trên cả nước.

Du khách quốc tế nhảy điệu sạp trong khuôn khổ hội nghị xúc tiến du lịch Sơn La tại Hà Nội (ảnh Nam Giang)
Du khách quốc tế nhảy điệu sạp trong khuôn khổ hội nghị xúc tiến du lịch Sơn La tại Hà Nội (Ảnh: Nam Giang)

Tại sự kiện, các đại biểu, người dân thủ đô, du khách đã trải nghiệm nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn như thăm khu vực trưng bày với 50 gian hàng, giới thiệu các sản phẩm du lịch, tour du lịch mới, ẩm thực đặc trưng của Sơn La, các sản phẩm OCOP, trải nghiệm quy trình chế tác và thể hiện nhạc cụ dân tộc, thưởng thức các tiết mục biểu diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc đặc sắc của đồng bào các dân tộc Sơn La (nghệ thuật xòe Thái; nhảy sạp, đánh trống chiêng; múa dân tộc; ném còn, đi cà kheo; nghệ nhân gánh; gùi sản vật địa phương, trang phục dân tộc…), thưởng thức ảnh đẹp du lịch Sơn La trưng bày tại nhà Bát Giác và phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm…

Tại các sự kiện, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nêu rõ, những năm qua, TP Hà Nội và các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch trên địa bàn đã có sự hợp tác, hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch. Mỗi địa phương đều có thế mạnh, có tiềm năng riêng để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Vì vậy, cần kết nối các chuỗi giá trị để tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn theo từng nhóm loại hình cung cấp cho du khách.

Du lịch Hà Nội cam kết không ngừng tăng cường hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương trong hoạt động phát triển du lịch, đóng góp tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung…

Du lịch Hà Nội tự đổi mới, xứng đáng với vị thế

Để “giúp” được các địa phương khác phát triển ngành “công nghiệp không khói” thì Hà Nội cũng phải đổi mới, nâng cao chất lượng tuor, trong đó thu hút khách quốc tế là nhiệm vụ quan trọng.

Đây cũng là nội dung được bàn nhiều tại buổi tọa đàm “Phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô sau đại dịch COVID-19” do báo Hà Nội Mới và Hiệp hội Du lịch Hà Nội tổ chức chiều 24/10 vừa qua.

Nói về vấn đề phục hồi du lịch Thủ đô sau đại dịch, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu rõ, để làm được điều này đòi hỏi cơ quan quản lý như đẩy mạnh phối kết hợp trong xây dựng quy hoạch du lịch theo hướng mở rộng, không bó hẹp từng địa phương. Đặc biệt, ngành du lịch cần đẩy mạnh quảng bá các tour, điểm du lịch đến tới du khách quốc tế, từ đó, hỗ trợ các điểm du lịch thu hút du khách.

Là một trong những địa bàn hút được khách du lịch quốc tế trong bối cảnh thời gian đầu sau khi du lịch Thủ đô “mở cửa”, làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) trở thành điểm sáng. Chia sẻ kinh nghiệm thu hút khách du lịch, Trưởng ban quản lý Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo thông tin, sau khi ngành du lịch được “mở cửa” hoạt động trở lại, Ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm đã kết hợp với huyện Ba Vì xây dựng tour mới theo hướng văn hóa tâm linh phối hợp nghỉ dưỡng. Qua đó, kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Thông qua những hoạt động này lượng khách đến Đường Lâm tăng 30% so với cùng kỳ, lượng khách đang dần đi vào ổn định.

Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám (ảnh IT)
Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám (ảnh IT)

Thực tế, so với kế hoạch dự kiến năm 2022, Hà Nội đón khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế thì 9 tháng qua mới đón được 766.000 lượt khách. Nguyên nhân là do hiện du lịch Hà Nội chưa xây dựng được tour đặc trưng, hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp, nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt.

Để khắc phục khó khăn này, thời gian tới Sở Du lịch Hà Nội đã có hướng đẩy mạnh chỉ đạo các công ty lữ hành, điểm đến xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo tập trung vào những thế mạnh của TP Hà Nội như: du lịch văn hóa, trải nghiệm, thể thao, du lịch MICE.

“Ngành du lịch Hà Nội khuyến khích doanh nghiệp, địa phương phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, tập trung phát triển sản phẩm theo từng vùng và thế mạnh của địa phương như: sản phẩm du lịch mạo hiểm, bay khinh khí cầu ở Ba Vì, bay dù lượn ở Chương Mỹ gắn với đối tượng khách du lịch trẻ, năng động, thích trải nghiệm khám phá; Khuyến khích triển khai các hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch homestay tại khu vực Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn, sản phẩm du lịch mua sắm ở khu vực Đông Anh - Sóc Sơn, sản phẩm du lịch văn hóa đêm, ẩm thực tại khu vực phố cổ.

Để làm được điều này thời gian tới sở du lịch sẽ có những cơ chế hỗ trợ, doanh nghiệp, địa phương xây dựng, nâng cấp tour”, Phó Trưởng phòng Quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch (Sở Du lịch Hà Nội) Phạm Diễm Hảo nhấn mạnh.

Bên cạnh những “kế sách” của ngành chuyên môn, theo ông Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội Kiều Thanh Hùng thì doanh nghiệp du lịch cần chủ động thông tin tới các cơ quan truyền thông hơn nữa để quảng bá các sản phẩm du lịch. Bởi báo chí là cầu nối giữa du lịch với công chúng và du khách, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay.

Hoa Thành
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động