Hà Nội: Hội tụ và lan tỏa, phát triển lên tầm cao mới

Lịch sử Thủ đô của chúng ta đánh dấu sự mở đầu bằng việc Vua Lý Công Uẩn rời kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Nhưng mốc quan trọng nhất để khẳng định vị thế Thủ đô của Hà Nội là từ năm 1945, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Việt Nam xây dựng một chính quyền mới. 77 năm qua, Hà Nội đã luôn thể hiện và giữ vững vai trò của mình, là Thủ đô của đất nước, là trung tâm hội tụ và lan tỏa những giá trị cao quý của dân tộc...
Liên hoan làng nghề, phố nghề Hà Nội năm 2022 sẽ diễn ra vào tháng 10 Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Quốc khánh 2/9 Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 Siết chặt kỷ cương trong đầu tư công, khơi thông "điểm nghẽn"; tạo đột phá phát triển

Lan tỏa những giá trị cao quý của dân tộc

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ lấy Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau ngày đất nước thống nhất, Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hà Nội: Hội tụ và lan tỏa, phát triển lên tầm cao mới
Thủ đô Hà Nội luôn là niềm tự hào, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị cao quý nhất của dân tộc

Đi qua bao năm tháng hào hùng, dù trong thời gian dài phải đương đầu và đánh bại kẻ thù xâm lược hùng mạnh nhất, Thủ đô Hà Nội vẫn luôn là niềm tự hào, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị cao quý nhất của dân tộc Việt Nam, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người. Hà Nội đã trở thành “thành phố gương mẫu” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn, được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý "Thủ đô Anh hùng", được Unesco vinh danh “Thành phố vì hòa bình”... Năm 2019, Hà Nội gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, tiếp tục những bước tiến mạnh mẽ khẳng định vị thế, vai trò là trái tim của cả nước.

Nhìn lại dặm dài lịch sử, Hà Nội không chỉ đóng vai trò là Thủ đô của đất nước mà còn là cầu nối quan trọng để đất nước hội nhập với cộng đồng quốc tế; Không chỉ trở thành một trung tâm kinh tế trọng điểm, mà còn là nơi khởi nghiệp của nhiều giá trị tinh hoa trong nước và quốc tế, thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới và là động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa của cả nước.

Thủ đô Hà Nội hôm nay đã có một diện mạo tươi đẹp, hiện đại, năng động nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa lịch sử trường tồn của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.

Nhiều công trình, dự án kinh tế, xã hội quy mô lớn, hiện đại đã được hoàn thành. Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, trật tự, kỷ cương đô thị có chuyển biến tích cực. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển và đạt nhiều thành quả quan trọng. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng rộng mở với phương châm là bạn, là đối tác tin cậy của các thủ đô, thành phố của các nước... Thành quả ấy có được cũng là nhờ Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội đã vận dụng sáng tạo những bài học quý báu được đúc kết từ cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra xảy ra trên phạm vi toàn thế giới cũng như nước ta, gây thiệt hại lớn tới tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, phát huy truyền thống cách mạng, Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã sớm dự báo, chủ động, bản lĩnh, linh hoạt, sáng tạo, bình tĩnh trong mọi tình huống để có các chủ trương và quyết sách đúng, trúng với tinh thần quyết liệt, phù hợp tình hình thực tiễn của thành phố, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, là trước hết; Quyết tâm bảo vệ bằng được Thủ đô, không để dịch bệnh lây lan rộng. Cùng đó là sự vào cuộc hiệu quả của cả hệ thống chính trị, Nhân dân Thủ đô, cộng đồng doanh nghiệp, các lực lượng tuyến đầu, các tình nguyện viên, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi mạnh mẽ kinh tế- xã hội.

Hà Nội: Hội tụ và lan tỏa, phát triển lên tầm cao mới
Hà Nội đang tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Phát triển ngang tầm Thủ đô các nước

77 năm, vai trò Thủ đô ngày càng được nhìn nhận và khẳng định rõ nét. Để mở rộng không gian phát triển, khơi thông nguồn lực, tạo đột phá phát triển kinh tế-xã hội cho Hà Nội, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết đã nêu rõ 4 quan điểm, 2 mục tiêu lớn đối với từng giai đoạn để lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội trong trung và dài hạn.

Theo đó, đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội được xác định là thành phố "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại; Trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; Hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8,0-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000-13.000 USD.

Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; Kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa, tiêu biểu cho cả nước; Có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Để Nghị quyết 15 trở thành một nguồn sức mạnh, động lực tinh thần to lớn cho Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU quyết tâm đưa Nghị quyết số 15-NQ/TW đi vào cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của Thủ đô Hà Nội theo đúng mục tiêu, quan điểm mà Nghị quyết đã đề ra.

Trong đó, đối với nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, Chương trình hành động của Thành ủy xác định đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế-xã hội; Phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.;Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới (kinh tế đô thị, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm…) gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.

Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics; Xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính-ngân hàng hàng đầu ở khu vực phía Bắc và có vai trò quan trọng trong cả nước... Tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa; Ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo...

Bên cạnh đó, thành phố tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các di tích, công trình kiến trúc có giá trị; Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học. Thành phố tiến tới đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 5G và sau 5G...

Hà Nội: Hội tụ và lan tỏa, phát triển lên tầm cao mới
Lãnh đạo Hà Nội làm việc với các địa phương liên quan thực hiện Dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô

Cùng với Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, trong năm 2022, Quốc hội đã thông qua Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với 58,2 km qua địa phận Hà Nội. Vành đai mang tính "đối ngoại" này không chỉ giúp Hà Nội mở rộng không gian phát triển mà còn gia tăng kết nối liên vùng để các địa phương cùng bứt phá. Ở đó, vai trò của Thủ đô, vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước được nhấn mạnh. Phát huy vai trò ấy, ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức họp bàn để triển khai dự án, thành lập ban chỉ đạo của thành phố để triển khai xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng làm trưởng ban, phân công nhiệm cụ thể để đạt tiến độ; Từ công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư tới thực hiện quy hoạch hai bên tuyến đường bảo đảm phù hợp quy hoạch và khai thác được quỹ đất, kết nối giao thông…

Ngoài kế hoạch phối hợp chung với hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, TP Hà Nội cũng yêu cầu từng địa phương có kế hoạch để phân công cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị để hoàn thành sớm nhất các nhiệm vụ thuộc dự án quan trọng này.

Dù luôn luôn phải giải quyết một khối lượng công việc lớn và khó, nhiều việc chưa có tiền lệ, nhưng như Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Nếu nói đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay, thì Hà Nội chưa bao giờ có được quy mô, vị thế, tầm vóc và yêu cầu cao như bây giờ". Những ưu thế đó chính là sức mạnh góp phần làm sâu đậm vai trò Thủ đô trong giai đoạn tới; Như tầm nhìn chiến lược mà Vua Lý Công Uẩn đã nhìn ra khi chọn định đô tại Thăng Long và sự tin tưởng của Đảng ta khi lựa chọn Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam từ 77 năm về trước...

Tú Linh
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động