Hà Nội “nóng” nạn buôn lậu và vận chuyển hàng giả, hàng lậu dịp cuối năm

Tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả vẫn "nóng" tại Hà Nội, đặc biệt là trong khoảng thời gian trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Hàng trăm tấn hàng lậu “tuồn” qua cửa khẩu Bắc Phong Sinh Hải quan cao điểm chống buôn lậu, giả mạo xuất xứ hàng hóa

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, nạn buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, hàng giả xảy ra trên tất cả các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển vận chuyển bằng container từ Hải Phòng về các cảng cạn ICD Gia Thụy, ICD Mỹ Đình…

Qua công tác điều tra, phát hiện và xử lý, lực lượng chức năng Hà Nội nhận thấy các đối tượng vi phạm với nhiều phương thức, thủ đoạn có sự cấu kết chặt chẽ giữa các chủ đầu nậu trên biên giới và trong nội địa. Ngoài nguồn hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, các đối tượng cũng chuyển sang mặt hàng có chất lượng cao hơn như: Mỹ, Châu Âu, Thái Lan, Hàn Quốc...

Trên tuyến đường bộ, hàng hoá được vận chuyển, tập kết ở các tỉnh ven Hà Nội từ đó được vận chuyển nhỏ lẻ vào thành phố qua hệ thống xe mô tô, xe chở khách, xe tải theo nhiều cung đường, địa điểm, thời gian khác nhau.

Hà Nội “nóng” nạn buôn lậu và vận chuyển hàng giả, hàng lậu dịp cuối năm
Quần, áo là mặt hàng nhập lậu, giả thương hiệu "nóng" nhất trong dịp cuối năm

Ngoài ra, các đối tượng còn quay vòng hóa đơn chứng từ để hợp thức hóa vận chuyển hàng nhập lậu. Hàng nhập lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng (vải, quần áo, giày dép...), bánh kẹo, thực phẩm, thuốc lá, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng…

Trên tuyến hàng không, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới có nhiều diễn biến phức tạp.

Trong đó, lực lượng Hải quan đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm về khai hải quan, chậm nộp hồ sơ thanh khoản hàng gia công, sản xuất xuất khẩu, hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế, không thực hiện tái xuất, tái nhập hàng hoá đúng thời hạn đã đăng ký với cơ quan hải quan; nhập khẩu hàng hoá không có giấy phép, hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.

Hàng hóa có thuế suất cao, trị giá trị lớn (mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sữa, xì gà…,), vận chuyển, buôn bán, tàng trữ trái phép các loại ma túy (cần sa, ma túy tổng hợp, heroin...) cũng được buôn bán, vận chuyển dưới nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các vụ vi phạm về xuất lậu khẩu trang y tế qua biên giới xảy ra với số lượng lớn.

Ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, trong thời gian tới, trong đợt cao điểm, lực lượng chức năng sẽ tập trung đấu tránh chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng nhất là tại các đô thị và trên tuyến biên giới đường bộ, tuyến biển và đường hàng không.

Ông Thế cho rằng, các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng cần nâng cao năng lực để nhận diện các phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, nhằm phát hiện các đối tượng chủ mưu, cầm đầu để đánh trúng, đánh đúng, đấu tranh ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các đường dây, ổ nhóm tội phạm, không chạy theo sự vụ.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý sẽ tăng cường công tác quản lý cán bộ thực thi nhiệm vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, giáo dục chính trị, tư tưởng, động viên cán bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác.

Đồng thời, cơ quan quản lý cũng sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách, điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xử lý nghiêm các vi phạm.

Hậu Lộc
Phiên bản di động