Hà Nội: “Loạn” nạn hàng giả, hàng nhái thương hiệu nổi tiếng

Tại Hà Nội, hàng giả tập trung chủ yếu ở một số chủng loại, mẫu mã, sử dụng nhãn mác, bao bì của các doanh nghiệp có uy tín; giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng, phổ biến để đưa ra thị trường tiêu thụ.
Truy quét hàng lậu, hàng giả nhãn hiệu tại Hải Dương Hàng chục nghìn mặt hàng lậu, hàng giả bán livestream trên facebook

Theo Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tồn tại ở quy mô, mức độ khác nhau, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.

Theo đó, hàng giả tập trung chủ yếu ở một số chủng loại, mẫu mã, sử dụng nhãn mác, bao bì của các doanh nghiệp có uy tín; giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng, phổ biến để đưa ra thị trường tiêu thụ.

Hàng hóa vi phạm đa số được sản xuất ở nước ngoài, sau đó thẩm lậu bằng nhiều đường khác nhau chủ yếu qua đường tiểu ngạch, đưa vào trong nước rồi vận chuyển, tập kết về Hà Nội để tiêu thụ và chuyển đi các tỉnh.

Các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự tham gia của các đối tượng trong và ngoài nước, có sự câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện kỹ thuật cao để đối phó với các cơ quan chức năng.

3828 img 20200609 163916
Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện hàng nghìn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nike, Adidas.

Cùng với đó, lợi dụng chính sách “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” một số đối tượng kinh doanh đặt mua hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng sản xuất từ nước ngoài và giả mạo xuất xứ của Việt Nam, có gắn nhãn mác "Made in Vietnam" để đưa về trong nước tiêu thụ.

Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu mặt hàng khẩu trang, vật tư y tế phòng dịch tăng cao, nhiều đối tượng đã sản xuất, kinh doanh mặt hàng khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế giả, kém chất lượng ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

Vụ việc điển hình nhất là hồi giữa tháng 7 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 1 và Đội Quản lý thị trường số 6 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã cùng thành viên Tổ công tác 368 (Tổ công tác về Thương mại điện tử – Tổng Cục Quản lý thị trường) tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh nằm trong khuôn viên Cảng ICD Mỹ Đình, số 17 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Thực tế điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh thuộc Công ty TNHH MTV chuyển phát nhanh Thuận Phong - Chi nhánh Hà Nội (trụ sở chính tại số 199 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP HCM). Người đứng đầu chi nhánh là ông FANG HONG YUAN – Quốc tịch Trung Quốc.

Cụ thể qua kiểm đếm từ 10h ngày 16/7 đến 16h ngày 17/7 phát hiện các mặt hàng gồm: Chăn ga các loại mang nhãn Zara Home; Quần áo Adidas, ấm đun nước điện, mặt nạ đắp mặt, táo sấy khô đóng hộp, cao xoa bóp, kem đánh răng, xịt khoáng, mỹ phẩm dưỡng da, dầu gội đầu, dầu xả, sữa bột, bóng đèn ô tô, xe máy, đui đèn cảm ứng, máy tập thể lực, đồ gia dụng các loại…

Bên cạnh đó còn có các sản phẩm tiết kiệm điện (loại thiết bị đã được cơ quan truyền thông và cơ quan chuyên môn cảnh báo là lừa dối người tiêu dùng), các loại miếng dán giản cân, tiêu mỡ được để dời chưa đóng bao bì và có bao bì kèm theo có thể hiện mã vạch và sản xuất tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Tổng số hàng hóa là trên 100.000 sản phẩm và hơn 20 bao hàng hóa đang được tiếp tục kiểm đếm.

Sau đó, toàn bộ lô hàng trên được phân loại và tạm giữ để xử xác minh, làm rõ chủ hàng cụ thể của từng lô hàng lậu, hàng có dấu hiệu giả sở hữu trí tuệ, hàng có dấu hiệu giả xuất xứ cũng như các hàng hóa không đúng với bản chất, công dụng của hàng hóa (lừa dối người tiêu dùng) và các vi phạm khác.

Hậu Lộc
Phiên bản di động