Truy quét hàng lậu, hàng giả nhãn hiệu tại Hải Dương

Lực lượng Quản lý thị trường vừa tổ chức kiểm tra 5 cơ sở kinh doanh giầy dép, túi xách, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ trẻ em trên địa bàn TP Hải Dương và tạm giữ 9.400 đơn vị hàng hóa nghi là hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hà Nội: Phát hiện kho hàng lậu "khủng'' của ông chủ người Trung Quốc Hà Nội: Tạm giữ hơn 27.000 cuốn sách giáo khoa nghi là hàng lậu

Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), ngày 22/7, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường phối hợp Cục Quản lý thị trường Hải Dương đã tổ chức kiểm tra 5 cơ sở kinh doanh giầy dép, túi xách, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ trẻ em trên địa bàn TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Theo nhận định của Đoàn kiểm tra, hàng hóa là giầy dép, túi xách có nguồn gốc chủ yếu từ Quảng Châu, Trung Quốc, không có nhãn, hóa đơn, chứng từ, giá bình quân mỗi đôi giầy có giá từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng/đôi tùy loại, có cơ sở kinh doanh hàng đồng giá 250.000 đồng/đôi, túi xách có giá từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/chiếc, có dấu hiệu nhập lậu và không rõ nguồn gốc xuất xứ, khách hàng tiêu dùng chủ yếu là người địa phương làm văn phòng, công sở, và thường có thị hiếu mua sắm hàng do nước ngoài sản xuất, vì hàng nhập lậu, nên giá rẻ, bền đẹp hơn hàng trong nước.

Điển hình tại cửa hàng giầy dép, túi xách Moci, tại 343 Nguyễn Văn Linh, phường Tân Bình, TP Hải Dương, chủ cơ sở khai nhận mua lại hàng trên facebook về bán kiếm lời, chỉ cần gọi điện là hàng được chuyển về tận nơi, nên không có hóa đơn, chứng từ.

Kiểm tra tại cửa hàng Mỹ phẩm Hải Dương, số 26 Vũ Hựu, TP Hải Dương, lực lượng chức năng phát hiện có các mặt hàng là mỹ phẩm như dầu gội, kem đánh răng, sữa tắm, kem, phấn trang điểm, dưỡng da, đắp mặt, vitamin E, dầu nóng, viên uống giảm cân, dưỡng tóc, kem chống nắng, viên giặt có dấu hiệu không rõ ngồn gốc xuất xứ, thường có kiểu dáng mẫu mã bắt mắt, giá rẻ hơn hàng chính hãng.

1221 z1987725185849 fe4b77271adbe7ba079182be45abe9f8
Giá một hộp vitamin E ngoại có giá 48.000 đồng/hộp. Ảnh: Tổng cục QLTT.

Tại Hệ thống cửa hàng Mẹ và Bé số 333 Nguyễn Văn Linh, TP Hải Dương, nhà chức trách phát hiện đang kinh doanh dép, quần áo trẻ em, thực phẩm đóng gói ăn liền, bánh ăn dặm các loại, đồ uống Mát cha, rong biển, dầu ăn trẻ em các loại, bỉm, mũ trẻ em, đồ chơi trẻ em có dấu hiệu hàng nhập lậu.

Kết quả kiểm tra chung cho thấy, đa số các của hàng đều kinh doanh hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, nhãn ghi thiếu nội dung bắt buộc và không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Để ngăn chặn hành vi vi phạm, lực lượng chức năng đã tiến hành tạm giữ 9.400 đơn vị hàng hóa có dấu hiệu vi phạm nêu trên để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, TP Hải Dương là "thủ phủ'' của tỉnh Hải Dương, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh, khu vực và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, nằm trên hành lang kinh tế: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Chính thức được công nhận là đô thị loại 1 vào tháng 5 vừa qua, với những tiềm năng kinh tế, du lịch riêng biệt, nên thời gian gần đây những khu trung tâm thương mại đã trở thành điểm đến mới của người dân Hải Dương.

Đến đây, người dân có thể mua sắm nhiều mặt hàng mà không mất thời gian di chuyển các địa điểm khác nhau, điều đó cũng đồng nghĩa với tiêu chí của người dân được nâng lên và thị trường tiêu thụ hàng hóa ngày càng trở nên sôi động và nhộn nhịp thì việc quản lý của các cơ quan chức năng càng chú trọng đến những mặt hạn chế tồn tại cũng như bất cập thị trường nơi đây.

Cụ thể, hiện nay, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính, trong đó có tỉnh Hải Dương.

Hậu Lộc
Phiên bản di động