Hà Nội đến để yêu - Thức quà Hà Nội
Hà Nội lên kế hoạch tổ chức Lễ hội Quà tặng Du lịch năm 2024 Quà tặng HaNi – tâm huyết của nữ Giám đốc trẻ Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội 2023 đã thành công |
Năm nay, Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2024 có chủ đề “Hà Nội đến để yêu - Thức quà Hà Nội”.
Lễ hội do UBND TP chỉ đạo, đơn vị chủ trì thực hiện là Sở Du lịch Hà Nội. Đây là hoạt động kích cầu du lịch thường niên, quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn” nhằm thu hút khách du lịch đến với Hà Nội nhân dịp Quốc khánh 2/9.
UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2024 là hoạt động thiết thực chào mừng Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia - Điện Biên năm 2024.
Thông qua lễ hội nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm quà tặng du lịch thương hiệu Việt tới du khách nội địa và quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất quà tặng góp phần tăng cường kết nối du lịch, kết nối văn hóa; bảo tồn, tôn vinh và phát huy những giá trị độc đáo của các di sản văn hóa và nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Từ đó, làm gia tăng trải nghiệm của du khách tại Hà Nội, khuyến khích quá trình phục hồi của Du lịch Thủ đô, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Xôi Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) là ẩm thực nổi tiếng của đất Kinh kỳ. Ngày 16/2/2024, nghề làm xôi Phú Thượng đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. |
Ngoài ra, Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội góp phần thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, làng nghề, phố nghề, doanh nghiệp kinh doanh du lịch với các nghệ nhân, cá nhân tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố và các địa phương trong cả nước.
Theo UBND thành phố Hà Nội, chủ đề “Hà Nội đến để yêu - Thức quà Hà Nội” tại lễ hội năm nay có ý nghĩa phát triển loại hình du lịch trải nghiệm ẩm thực quà tặng - một hình thức du lịch đang là xu hướng mới tại nhiều quốc gia - qua đó giúp du khách không chỉ được trải nghiệm các món ăn, đồ uống, mà còn được trải nghiệm bản sắc văn hóa và cuộc sống của cộng đồng tại điểm đến. Việc trải nghiệm du lịch ẩm thực luôn gắn kết với trải nghiệm văn hóa trong suốt hành trình của du khách, mang lại cho du khách những cảm nhận chân thật nhất.
Đồng thời giới thiệu về “thức quà Hà Nội” là giới thiệu về vẻ đẹp Hà Nội, về sức quyến rũ của Hà Nội, là kết nối, là yêu thương; thể hiện tình yêu quê hương, yêu đất nước và trân trọng, vinh danh những con người làm ra thức quà; hướng đến khẳng định giá trị văn hóa xứ Kinh kỳ, sưu tầm, bảo tồn những công thức, cách chế biến xưa nay, gìn giữ và phát huy kho tàng ẩm thực không chỉ của người Hà Nội mà còn của đồng bào các dân tộc trên khắp đất nước Việt Nam. Qua đó, giới thiệu những sản phẩm, thức quà độc đáo, sáng tạo của con người Hà Nội với du khách nội địa và quốc tế.
Dự kiến trong 3 ngày diễn ra Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2024 sẽ có nhiều hoạt động được tổ chức và diễn ra liên tục. Nổi bật là các không gian giới thiệu, triển lãm, quảng bá trong lễ hội (dự kiến 70 - 80 gian hàng tiêu chuẩn) bao gồm có 8 không gian.
Đó là không gian giới thiệu sản phẩm quà tặng ẩm thực 36 phố phường Hà Nội - chia thành 5 cửa ngõ Thủ đô để phân khu gian hàng: Bày bán, giới thiệu thức quà đặc sản tinh hoa ẩm thực đặc trưng và đậm hương vị Hà Nội; Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm quà tặng Thủ công mỹ nghệ cao cấp, tinh tế, độc đáo của các cơ sở sản xuất và kinh doanh quà tặng; giới thiệu những sản phẩm quà tặng lưu niệm du lịch tiêu biểu mang thương hiệu du lịch Thủ đô nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2024 sẽ có nhiều hoạt động nghệ thuật đặc sắc, trong đó có trình diễn múa “Con đĩ đánh bồng” của trai làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì). Múa bồng là một trong10 điệu múa dân gian xưa của đất Thăng Long. |
Không gian sản phẩm quà tặng của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch: Quảng bá tour tuyến, giới thiệu sản phẩm du lịch, quà tặng voucher tour du lịch, các chương trình khuyến mại, kích cầu của các doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở lưu trú du lịch và các hãng vận chuyển hàng không.
Không gian trải nghiệm làng nghề: Là khu trình diễn, quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề kết hợp du lịch. Khách tham quan có thể trải nghiệm, làm thử các sản phẩm như trải nghiệm làm chuồn chuồn tre, làm quà tặng màu, trải nghiệm với cà phê, với hoa nghệ thuật và đồ tái chế...Không gian trải nghiệm trò chơi công nghệ tương tác 3D Mapping; Không gian tiểu cảnh chụp hình 4 mùa Hà Nội: Xuân, Hạ, Thu, Đông với các loài hoa đặc trưng được trang trí cùng bối cảnh ẩm thực theo mùa Hà Nội; Khu không gian trưng bày triển lãm ảnh check-in Hà Nội; Liên kết và bố trí rải rác các booth sản phẩm đồ uống, nước, cafe trên dọc đường thuận tiện cho khách trải nghiệm xuyên suốt.
Các hoạt động văn hóa trong lễ hội cũng rất đặc sắc với phần trình diễn và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể: Võ Vovinam Việt Võ Đạo (năm 2023 được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia); hát Trống quân; trình diễn Lễ hội “Con đĩ đánh bồng” (một trong mười điệu múa dân gian xưa của đất Thăng Long, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia); trình diễn Cồng Chiêng của các câu lạc bộ Cồng Chiêng trên địa bàn thành phố, và các hoạt động trình diễn văn hóa nghệ thuật khác.
Tại lễ hội còn có hoạt động trình diễn Trống hội, Flashmob, trò chơi công nghệ tương tác; workshop về trải nghiệm trà đạo, sáng tạo kết hợp với hoạt động từ thiện (sản phẩm từ các đơn vị từ thiện cộng đồng); hoạt động xu hướng của giới trẻ với chuỗi những thử thách tại lễ hội quà tặng: thử thách điệu nhảy, thử thách trải nghiệm đồ ăn/đồ uống,