Hà Nội: Chú trọng phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ
Cách nào gìn giữ giá trị gia đình của người Hà Nội? Hệ giá trị gia đình Hà Nội trong thời đại mới Nhiều kinh nghiệm hay trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình |
Xã hội hóa công trình Văn Từ Thượng Phúc – câu chuyện của Thường Tín
“Từ xưa, Thường Tín là đất danh hương, đất trăm nghề. Từ việc xác định văn hóa - lịch sử vừa là nền tảng, là động lực phát triển, từ nguồn xã hội hóa, huyện Thường Tín đã triển khai dự án xây dựng và phát huy giá trị văn hóa lịch sử công trình Văn Từ Thượng Phúc, tạo nên một quần thể không gian truyền thống giàu bản sắc của miền "đất danh hương” – ông Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện ủy Thường Tín mở đầu bài tham luận trong một cuộc tọa đàm mới đây về xây dựng hệ giá trị, chuẩn mực người Hà Nội.
Ông Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện ủy Thường Tín chia sẻ về việc phát huy truyền thống khoa bảng của dòng họ, quê hương. |
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Minh, Văn Từ Thượng Phúc do Tiến sĩ Dương Công Độ - người Nhị Khê xây dựng tại xã An Duyên, tổng Tín An (nay thuộc thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín) vào năm Chính Hòa thứ 16 (1695). Song hành việc xây dựng Văn Từ, Tiến sĩ Dương Công Độ soạn văn, khắc lên bia đá 4 mặt chữ tên tuổi của 75 nhà khoa bảng.
Năm 2018, Văn Từ Thượng Phúc được xây dựng, tu sửa nhằm phát huy giá trị truyền thống khoa bảng, truyền thống hiếu học của huyện Thượng Phúc xưa (huyện Thường Tín ngày nay), khôi phục lại nơi tôn thờ và ghi danh các bậc hiền tài, các nhà khoa bảng, qua đó kế thừa các giá trị văn hóa, lịch sử; đồng thời phát huy những giá trị truyền thống từ ngàn đời của vùng đất này.
Tại đây, người dân Thường Tín chọn ngày mùng 9 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm tổ chức Lễ hội khai bút. Vào dịp thi cử, học sinh trên địa bàn huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội và các địa phương lân cận về dâng hương, nối tiếp truyền thống khoa bảng của quê hương.
“Tính đến nay, huyện là 1 trong 37 huyện trên cả nước xây dựng được Văn Từ Thượng Phúc với kinh phí 60 tỷ hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa. Bên cạnh đó, huyện cũng đang tiến hành xây dựng khu tưởng niệm danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi và khởi công khởi công vườn hoa Nguyễn Du để phát huy giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất danh hương” – Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh tự hào nói.
Thuần phong mỹ tục là “sức mạnh nội sinh”
Coi việc xây dựng hệ giá trị, chuẩn mực gia đình là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhiều quận, huyện khác lại phát huy hiệu quả của hương ước, quy ước. Điển hình như quận Ba Đình đã đẩy mạnh việc xây dựng Người Ba Đình - Hà Nội thanh lịch văn minh thông qua đánh giá về xây dựng hương ước, quy ước trong công nhận danh hiệu Tổ dân phố văn hóa. Quận cũng liên tục bổ sung nội dung thực hiện bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phòng chống tác hại của thuốc lá… vào hương ước, quy ước; Tổ chức rà soát, kiểm tra quy trình bổ sung, chỉnh sửa, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn quận.
Bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho rằng, cần chú trọng phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ. |
Tại quận Bắc Từ Liêm, việc triển khai thực hiện quy ước ở các khu dân cư trên địa bàn rất nghiêm túc. Hàng năm, quận thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung đối với quy ước tổ dân phố có các nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, đề xuất sửa đổi, bổ sung. Đồng thời kịp thời triển khai việc xây dựng quy ước đối với 18 tổ dân phố mới được thành lập năm 2021 thuộc 3 phường Cổ Nhuế 1, phường Phú Diễn, phường Xuân Tảo. Các tổ dân phố đều đưa nội dung thực hiện quy ước vào tiêu chí bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” và tổ dân phố văn hóa. Qua đó, góp phần phòng chống các tệ nạn xã hội, giúp đoàn kết trong cộng đồng dân cư giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa.
Trong khi đó, bày tỏ quan điểm về việc chú trọng phát huy truyền thống tốt đẹp như hiếu học của gia đình, truyền thống khoa bảng của dòng họ, quê hương là nền tảng để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho hay, cần phải gìn giữ thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa gia đình, lưu truyền từ đời này sang đời khác. Bởi đó chính là “sức mạnh nội sinh” để mỗi gia đình chống lại những tiêu cực, những ảnh hưởng từ bên ngoài.
Cũng coi trọng yếu tố gia đình, dòng họ, huyện Mỹ Đức đã đề xuất giải pháp đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh; Quan tâm xây dựng gia đình văn hóa, thôn làng, tổ dân phố văn hóa, trong đó lưu ý tiêu chí không có bạo lực gia đình, không lạm dụng rượu bia, không có tệ nạn cờ bạc, ma túy, bổ sung việc thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình để xét công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa hàng năm.