Hệ giá trị gia đình Hà Nội trong thời đại mới

Tại Hội nghị tọa đàm "Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Thực trạng và giải pháp", đồng chí Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, trong nhiều năm qua, Sở đã đẩy mạnh triển khai chương trình xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa từ thành phố tới cơ sở.
Nếp sống gia đình Hà Nội - nơi giữ gìn và trao truyền văn hóa ứng xử

Cụ thể, phát biểu đề dẫn Hội nghị, đồng chí Đỗ Đình Hồng khẳng định: Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, “chốn kinh sư muôn đời”, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, luôn là nơi cả nước hướng về với niềm tin và hy vọng. Điều đó hình thành như một lẽ tự nhiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam. “Từ thuở mang gươm đi mở nước / Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”, để rồi “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn hướng về Hà Nội”. Sự tin yêu đặc biệt đó mang đến cho người Hà Nội niềm tự hào, đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao với người Hà Nội hôm nay.

Nhận thức được điều đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã triển khai trong nhiều năm chương trình xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Những quy định từ việc cưới, việc tang đến bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, xây dựng văn hóa công sở… đã góp phần thiết thực vào việc giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình và xây dựng chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong điều kiện mới.

Sự phát triển với tốc độ cao của Hà Nội, đặc biệt đô thị hóa đang diễn ra theo chiều hướng “văn hóa khó bắt kịp” đã gây ra nhiều hệ lụy. Trong đó, vấn đề gia đình và con người Hà Nội đang nổi lên nhiều bất cập với những ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều trong lý luận cũng như trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày. Nhiều người nghi ngờ rằng, thanh lịch liệu có còn phù hợp với lối sống hiện đại ngày nay không?

Đồng chí Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Thậm chí, có người còn bày tỏ sự không đồng tình khi nói “chẳng thơm cũng thể hoa nhài / dẫu không thanh lịch cũng nguời Tràng An”. Trong cuộc sống còn tồn tại những hành vi phản văn hóa như “giẫm cỏ, bẻ cây, tiểu đường bừa bãi”, nhiều người đổ lỗi cho tình trạng nhập cư nhiều, người “Hà Nội gốc” không như thế!

Có ý kiến nói ngược lại, “người Hà Nội gốc” trong phố cổ cũng “phở chửi, bún mắng” đanh đá không kém! Vậy là câu hỏi về xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh còn nhiều điều cần làm sáng tỏ, đặc biệt là làm thế nào để công việc này có hiệu quả? Có nên đặt vấn đề có tính phân biệt “Hà Nội gốc” và “Hà Nội nhập cư” làm mất đi truyền thống hội tụ và tinh thần đoàn kết của người Hà Nội từ ngàn đời nay?

Vấn đề gia đình cũng đang đứng trước nhiều thách thức với những thay đổi về cách thức tổ chức đời sống cá nhân và đời sống cộng đồng trong điều kiện mới. Mô hình gia đình truyền thống tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường có còn được đề cao trong xã hội hiện đại không? Nó có còn phù hợp không?

Ngay cả đối với gia đình hạt nhân hiện đại, khi khó có thể tổ chức thường xuyên bữa ăn gia đình thì sự gắn kết có bị ảnh hưởng? Tình cảm vợ chồng, cha mẹ, con cái thể hiện như thế nào để tổ ấm bền chặt và hạnh phúc? Bố mẹ già ở riêng, thậm chí vào viện dưỡng lão thì chữ hiếu của con cháu thể hiện thế nào? Đô thị hóa mạnh mẽ của Hà Nội cũng ảnh hưởng không nhỏ đến gia đình và con người Thủ đô. Thậm chí, tình trạng tắc đường tưởng ít liên quan đến văn hóa gia đình nhưng thực tế cũng có những tác động tiêu cực trong việc xây dựng đời sống gia đình hiện đại.

Trước thực trạng đó, việc nghiên cứu hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch văn minh là yêu cầu hiện thực khách quan có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao. Mặt khác, yêu cầu của thời kỳ phát triển mới của Hà Nội, thành phố sáng tạo cũng đặt ra đòi hỏi phát triển con người ở một tầm vóc mới. Việc giữ gìn và phát huy hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô lại càng là yêu cầu mang tính cấp thiết.

Hệ giá trị gia đình Hà Nội trong thời đại mới

Vấn đề đặt ra là: Những giá trị nào trong hệ gia đình truyền thống ngàn năm văn hiến của Hà Nội cần gìn giữ và gìn giữ bằng cách nào? Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh đã đủ để thích ứng với yêu cầu của cuộc sống hiện đại hay chưa? Có cần xây dựng những phẩm chất nào mới không? Nếu cần, đó là phẩm chất gì? Các giải pháp khả thi, có hiệu quả cho việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh?...

Có thể nói, hàng loạt vấn đề cũ có, mới có nhưng đều đặt ra cho văn hóa Hà Nội những nhiệm vụ mới trong điều kiện mới! Để hoàn thành những nhiệm vụ đó, Hà Nội cần triển khai một kế hoạch có tầm chiến lược, đồng bộ và có tính khả thi.

Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành những nhiệm vụ quan trọng này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ ban hành chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Điều đó khẳng định tính đúng đắn và kịp thời của hội nghị tọa đàm “Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch văn minh” với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo quận, huyện trong toàn thành phố.

Hội nghị tọa đàm không chỉ giải mã những vấn đề đặt ra trong công tác xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch văn minh mà còn cung cấp những thông tin thiết thực, phong phú, sinh động từ cơ sở; Góp ý trực tiếp vào Dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy trong “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh”.

Ngọc Hân; Ảnh: Phạm Mạnh
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động