Cách nào gìn giữ giá trị gia đình của người Hà Nội?

Văn hóa của người Hà Nội xưa nay vốn được coi là tiêu biểu cho chuẩn mực của người Việt. Một trong những nền tảng, cốt lõi tạo nên giá trị ấy là chính là nếp nhà. Làm thế nào để gìn giữ được cốt cách, tinh hoa của gia đình người Hà Nội giữa dòng chảy đô thị hóa hiện nay?
Xây dựng người Hà Nội tiêu biểu cho văn hoá, lương tri và phẩm giá con người Tuyên truyền, lan toả bản sắc văn hoá của người Hà Nội thanh lịch, văn minh Báo Tuổi trẻ Thủ đô giành 2 giải báo chí về văn hóa người Hà Nội

“Lượng hóa” những chuẩn mực mới

Tại Hội nghị tọa đàm “Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch văn minh” được tổ chức chiều 23/10, ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng, như một lẽ tự nhiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam, Hà Nội là nơi cả nước hướng về. Khẳng định nguồn lực của Hà Nội bao gồm: Con người, tài nguyên và di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể), thể chế, chính sách và vị thế là Thủ đô anh hùng, Thành phố sáng tạo, Thành phố Vì hòa bình, Hà Nội, ông Hồng nhấn mạnh: “Tất cả những điều đó đặt ra trách nhiệm lớn lao với người Hà Nội hôm nay. Đồng thời, việc giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô lại càng trở nên cấp thiết”.

Cách nào gìn giữ giá trị gia đình của người Hà Nội?
Hội nghị tọa đàm “Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch văn minh” đươc Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và Sở VH-TT Hà Nội tổ chức vào chiều 23/10

Bày tỏ quan điểm của mình, PGS.TSKH Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đánh giá cao việc Hà Nội đi đầu trong việc tổ chức hội nghị về xây dựng hệ giá trị gia đình trước thực trạng đáng lo ngại về những hành lệch chuẩn đang diễn ra hiện nay như đua xe, tệ nạn xã hội; Những mâu thuẫn, xung đột giữa thế hệ cũ và thế hệ mới trong định hướng học hành, dựng vợ gả chồng của các gia đình. Đó chính là những “điểm đen” cần xử lý để không bị “loang ra” – PGS.TSKH Lương Đình Hải nói.

Lấy ví dụ về lòng yêu nước, TSKH Lương Đình Hải nói: “Trước đây, thời chuẩn mực của một người dân Thủ đô yêu nước là: Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. Vậy, thời nay, chuẩn mực dành cho người yêu nước là gì, ở từng đối tượng thiếu niên, nhà giáo,… ra sao. Những điều này cần phải cụ thể, rõ ràng. Nguồn lực giá trị văn hóa nếu càng khai thác thì càng sinh sôi, nảy nở. Nếu tinh thần yêu nước không được cổ vũ, phát huy thì sẽ mai một. Chuẩn mực phải được kế tục những giá trị tốt đẹp từ xưa đến nay và phải chứa đựng định hướng tương lai”.

Cách nào gìn giữ giá trị gia đình của người Hà Nội?
PGS.TSKH Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

Phải giữ được nếp nhà Hà Nội

Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia, đại diện các quận, huyện đã đưa ra những quan điểm và cách làm hiệu quả trong việc xây dựng chuẩn mực, hệ giá trị văn hóa riêng biệt của địa phương.

Trao đổi với phóng viên, ông Đào Mạnh Hùng, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Mê Linh khẳng định, một trong những nền tảng, cốt lõi để hình thành nên giá trị văn hóa người Hà Nội chính là văn hóa gia đình.

“Cư dân Hà Nội được hình thành và phát triển trong lòng đô thị hơn một ngàn năm, lại là trung tâm văn hóa của một đất nước. Vì vậy, nếp nhà của người Hà Nội vừa là biểu trưng cho hệ giá trị gia đình Việt Nam, vừa có nét riêng của sự hào hoa, thanh lịch. Nét “hào hoa” và “thanh lịch” ấy được thể hiện trong cách ăn mặc, lời nói, đối nhân xử thế. Đây chính là hồn cốt của người Tràng An” – ông Hùng nói.

Cách nào gìn giữ giá trị gia đình của người Hà Nội?
Ông Đào Mạnh Hùng, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Mê Linh cho rằng, chất “hào hoa” và “thanh lịch” của người Hà Nội xưa là “bất biến” và là một trong những điều khiến người Thủ đô đều tự hào.

Tuy vậy, qua quá trình sáp nhập và mở rộng, tiếp biến văn hóa xứ Đoài nên văn hóa Hà Nội có tính đa dạng, nhiều màu sắc, vì vậy, để giữ được “thói đất, nết người” giữa dòng chảy đô thị hóa là một thách thức không hề nhỏ.

Đưa ra giải pháp để gìn giữ nếp nhà của người Hà Nội và định vị thương hiệu mới về văn hóa gia đình, đại biểu này cho rằng, cần phải xây dựng những quy tắc dựa trên cơ sở đạo đức và pháp luật. “Hệ giá trị đó phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, tập hợp được những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội xưa và nay, tạo ra tấm màng lọc để ngăn chặn từ xa, từ sớm, đẩy lùi thói hư tật xấu” – ông Hùng nói.

Cách nào gìn giữ giá trị gia đình của người Hà Nội?
Toàn cảnh tọa đàm

Ngoài ra, cũng theo ông Hùng, chất “hào hoa” và “thanh lịch” của người Hà Nội xưa là “bất biến” và là một trong những điều khiến người Thủ đô đều tự hào, để “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”. Bởi vậy, 2 phẩm chất đó cần phải nuôi dưỡng và bồi đắp bằng chính từ việc gìn giữ nếp nhà của người Hà Nội.

Đồng tình quan điểm này, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho hay: “Tôi rất thích 2 từ “nếp nhà”, nghe dân dã nhưng yêu thương vô cùng. Vì thế, khi biểu dương gia đình văn hóa thực ra là ca ngợi nếp nhà đẹp, trong đó, ông bà, con cháu sống hòa thuận, yêu thương nhau”.

Cách thức tuyên truyền phải phong phú, mới mẻ

Tại tọa đàm, các đại biểu đều thống nhất, Hà Nội không nhất thiết phải đứng đầu với cả nước về kinh tế nhưng nhất thiết phải đi đầu về văn hóa. Bởi thế, rất cần phải gìn giữ giá trị cốt lõi của người Tràng An thông qua việc các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu dân cư văn hóa.

“Đặc biệt, bên cạnh biểu dương gia đình văn hóa thì thì cần phát hiện những vấn đề bất cập để có quyết sách phù hợp; Đấu tranh với những hành vi đi ngược lại phong tục của người Việt Nam. Và đặc biệt là phương thức tuyên truyền phải mới mẻ, tận dụng mạng xã hội, nền tảng số” – ông Hồ Quang Lợi nói.

Cách nào gìn giữ giá trị gia đình của người Hà Nội?
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu

Đại biểu Đào Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh cần phải tiếp tục triển khai thực hiện tốt 2 bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, xây dựng văn hóa công sở nhằm góp phần thiết thực hơn nữa vào việc giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình và xây dựng chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong điều kiện mới.

Chuyên gia Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội một lần nữa khẳng định việc xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch văn minh là vô cùng cần thiết trong thời hiện nay song cũng cần phải được triển khai rất phong phú, thiết thực và bám sát đặc thù của từng quận, huyện.

Cách nào gìn giữ giá trị gia đình của người Hà Nội?
Chuyên gia Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội

“Những hệ giá trị đó cần phải được “lượng hóa”, gắn vào các chương trình kinh tế, xã hội và đặc biệt là triển khai bằng các giải pháp cụ thể ở từng gia đình, quốc gia, cộng đồng. Chúng ta làm từng bước, không cầu toàn và cũng không chờ đợi nhưng thiết thực và hiệu quả” – chuyên gia này nhấn mạnh.

Thái Sơn; Ảnh: H. Mạnh
Phiên bản di động