Giải pháp nào để bảo tàng tư nhân ở Hà Nội hoạt động hiệu quả?

Với 14 bảo tàng tư nhân ở khắp các quận, huyện, Hà Nội trở thành nơi có hệ thống bảo tàng tư nhân lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, một phần do sự thiếu chuyên môn của đội ngũ nhân viên, nguồn kinh phí eo hẹp, hiện vật bị hư hại, xuống cấp… nên nhiều nơi dần kém thu hút khách. Vậy, giải pháp nào để những bảo tàng này hoạt động hiệu quả?
Triển lãm “Thế giới cần nữ siêu anh hùng” tại Hà Nội Chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch Trưng bày hơn 200 hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đìu hiu, vắng khách

Nằm giữa khuôn viên của một ngôi làng cổ, Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) là nơi lưu giữ những nét truyền thống của nghề nhiếp ảnh từ hàng trăm năm nay. Bảo tàng có 2 tầng, là nơi giới thiệu chung về làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá và những câu chuyện về Tổ nghề nhiếp ảnh Lai Xá. Bảo tàng được hoạt động từ 17/5/2017, đúng ngày truyền thống của nghề nhiếp ảnh trong làng.

Giải pháp nào để bảo tàng tư nhân ở Hà Nội hoạt động hiệu quả?
Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá từng rất nhộn nhịp những ngày đầu thành lập nhưng gần đây thưa thớt khách tham quan

Đáng nói, bảo tàng này hoàn toàn do người dân trong làng tình nguyện chung tay xây dựng trên nền đất chung của cả làng. Kinh phí do các hộ dân đóng góp và người điều hành, trông coi, hướng dẫn viên... cũng đều là người làng.

Nhiều năm qua, Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá đã đưa đến cho người xem cái nhìn chân thực về lịch sử hình thành, quá trình tiếp nối, gìn giữ nghề truyền thống của các thế hệ sau.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá cho hay, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã giúp đỡ tập huấn cho người dân làng làm du lịch. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch nên quá trình tạm hoãn và từ đó đến nay lượng khách đến với bảo tàng cũng dần thưa thớt.

Cách đó Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá không xa là Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, nơi lưu giữ những kỷ vật sự nghiệp, gia đình của GS.TS Nguyễn Văn Huyên do con trai ông, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - PGS.TS Nguyễn Văn Huy xây dựng. Không gian không rộng rãi, cách bài trí ở đây rất công phu và đầy ý tưởng. Mỗi hiện vật là một câu chuyện nhỏ, được thể hiện sinh động, hấp dẫn.

Dù bảo tàng mở cửa hoàn toàn miễn phí nhưng theo ông Huy, hiện cũng mới chỉ đón những đợt khách quốc tế đơn lẻ thông qua Facebook, thi thoảng có lượng học sinh, sinh viên trong nước tới thăm, chứ chưa có một lượng khách thường xuyên.

Giải pháp nào để bảo tàng tư nhân ở Hà Nội hoạt động hiệu quả?
Sau 2 năm bị dịch Covid -19, Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá cũng trở nên thưa thớt khách. Lâu lâu mới có đoàn khách quốc tế tham quan

Trăm ngàn cái khó…

Ai cũng hiểu rằng, việc thành lập một bảo tàng tư nhân vốn đã không hề đơn giản, bởi đó không chỉ là cả một quá trình tích lũy thời gian, kinh tế và trí lực để có được những hiện vật, tài liệu quý. Vậy nhưng, có thể thấy rõ rất nhiều bất cập của hệ thống bảo tàng tư nhân nói chung và của Hà Nội trong nhiều năm qua. Đó là sự thiếu chuyên môn của đội ngũ nhân viên bảo tàng khiến hoạt động trưng bày kém hấp dẫn.

Hơn nữa, với nguồn kinh phí eo hẹp nên đa phần các bảo tàng không đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, hạ tầng và quy trình bảo quản hiện vật thường xuyên, dẫn đến hiện vật bị hư hại, xuống cấp. Những nguyên nhân trên khiến cho bảo tàng tư nhân khó thu hút khách đến, trong khi du khách mới chính là động lực, là sức sống cho mỗi bảo tàng

Trăn trở về điều này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên cho biết: “Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên hay Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá ở bên cạnh đều hoàn toàn hoạt động theo tinh thần tự nguyện. Những người tham gia tham gia xây dựng, duy trì bảo tàng không phải vì đồng tiền mà là vì tình yêu đối với các di sản văn hóa. Nếu chúng ta giải quyết được vấn đề có khách thường xuyên thì chúng tôi sẽ không bị mài mòn tâm huyết”.

Giải pháp nào để bảo tàng tư nhân ở Hà Nội hoạt động hiệu quả?
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá mong muốn, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch Hà Nội quan tâm, quảng bá, kết nối cho làng nghề Lai Xá với các Tour du lịch để bảo tàng tiếp cận được lượng khách thường xuyên.

“Điều quan trọng khác nữa là ngoài nỗ lực cá nhân, chúng tôi cần được đào tạo và cập nhập thông tin về du lịch, về ứng dụng công nghệ lưu giữ hiện vật thời 4.0 để bắt nhịp xu thế và không bị lạc hậu so với các bảo tàng nhà nước,trở thành những điểm đến hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội", ông Thắng nói.

Giải pháp nào để bảo tàng tư nhân ở Hà Nội hoạt động hiệu quả?
PGS.TS Nguyễn Văn Huy giới thiệu hiện vật của bảo tàng với học sinh, sinh viên
Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hoài Đức chia sẻ về kế hoạch hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động của các bảo tàng tư nhân trên địa bàn: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu giúp UBND huyện tiếp tục tuyên truyền quảng bá để giới thiệu đến mọi người dân mọi miền trên đất nước và đặc biệt khách quốc tế về hệ thống bảo tàng trong huyện; Đồng thời, kết nối tạo thành chuỗi điểm tham quan, phát huy giá trị điểm đến, các hiện vật, di sản gắn liền với bảo tàng và những làng nghề truyền thống đặc biệt của Hoài Đức”.
Thái Sơn
Phiên bản di động