Giải pháp để Hà Nội xây dựng nền công nghiệp văn hóa từ nguồn lực di sản

Với nguồn lực di sản đồ sộ, phong phú lớn nhất cả nước, Hà Nội có lợi thế để phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thể cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Cụ thể hóa việc phát triển công nghiệp văn hóa tại các làng nghề Tập trung xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô toàn diện

Đầu tư 14.000 tỷ cho bảo tồn di tích, di sản

TS Bùi Thị Kim Chi, Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho hay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử - văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, UNESCO đã công nhận và ghi danh 3 di sản văn hóa phi vật thể, 1 di sản tư liệu thế giới, 1 di sản văn hóa.

Hà Nội cũng là nơi có nhiều làng nghề nhất cả nước (1.350 làng nghề), 1.173 lễ hội và sự kiện văn hóa, nghệ thuật, 115 không gian sáng tạo đa lĩnh vực. Bên cạnh đó, Hà Nội sở hữu nhiều danh hiệu văn hóa như: Thành phố vì hòa bình; Thành phố sáng tạo; Thủ đô ngàn năm văn hiến...

Hệ thống di sản văn hóa này với những giá trị ẩn tàng trong nó tạo nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng của Thủ đô. Đây là những yếu tố quan trọng, tạo nên lợi thế lớn cho Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa.

Giải pháp để Hà Nội xây dựng nền công nghiệp văn hóa từ nguồn lực di sản
PGS.TS Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Tại Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, TSKH Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cũng khẳng định, thành phố Hà Nội rất quan tâm tới vấn đề bảo tồn di sản. Điều này được thể hiện rõ qua 7 lần lập quy hoạch của Hà Nội từ 1954 đến nay.

“Chưa khi nào, chỉ trong thời gian ngắn, Hà Nội đã đầu tư 14.000 tỷ cho việc bảo tồn di tích, di sản. Đó là nguồn vốn của Nhà nước, chưa kể nguồn lực trong Nhân dân”, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng nhấn mạnh quan điểm này.

Những nỗ lực phát triển ngành công nghiệp văn hóa

Tại hội thảo Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, nhiều bài tham luận của các chuyên gia cũng khẳng định, ngay từ những năm 2007 - 2008, Hà Nội đã có những nghiên cứu về công nghiệp văn hóa. Đến năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 112/KH-UBND, khẳng định phát triển ngành công nghiệp văn hóa là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thủ đô.

Năm 2018, Hà Nội tiến hành đánh giá, đề xuất các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Năm 2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết khẳng định: “Phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng; Là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô”; “Phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến; Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới”.

Giải pháp để Hà Nội xây dựng nền công nghiệp văn hóa từ nguồn lực di sản
TSKH Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam

Với quan điểm này, Hà Nội đã khẳng định phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc trưng văn hóa Thăng Long - Hà Nội để phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Điều này khẳng định tính đặc thù, vừa tạo thế cạnh tranh vừa tạo ra hướng đi riêng của công nghiệp văn hóa Hà Nội.

Cần nhận thức đúng về khai thác di sản

Một lần nữa, TS Bùi Thị Kim Chi khẳng định Hà Nội rất chú trọng phát huy giá trị di sản văn hóa cho phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, vấn đề này còn gặp nhiều thách thức, rào cản.

Theo bà Chi, hiện nay, quan điểm nói chung vẫn coi di sản văn hóa như một loại nguồn vốn cho phát triển công nghiệp văn hóa. Tức là coi di sản văn hóa như một “tư bản” trong hoạt động kinh tế thông thường để sinh lợi nhuận. Chính vì vậy, các di sản văn hóa đã bị khai thác triệt để khía cạnh kinh tế để đem lại doanh thu, lợi nhuận mà chưa chú ý đúng mức đến bảo tồn, giữ gìn các giá trị di sản văn hóa.

“Di sản văn hóa khác với vốn văn hóa và các loại vốn hữu hình như tài nguyên, lao động, tiền bạc. Nhận thức đúng về phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển công nghiệp văn hóa sẽ giúp tránh được những hành động xơ cứng, ứng xử “thiếu văn hóa” đối với những giá trị văn hóa được khai thác trong phát triển công nghiệp văn hóa", TS Bùi Thị Kim Chi nhấn mạnh.

Hà Nội nỗ lực phát huy nguồn lực từ di sản, xây dựng nền công nghiệp văn hóa
Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Bên cạnh đó, theo bà Chi, phát triển công nghiệp văn hóa không tách rời với phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Điều đầu tiên cần quan tâm đến là thị trường nội địa. Tuy nhiên, thị trường văn hóa của Hà Nội còn yếu, thể hiện trước tiên ở tình trạng vi phạm bản quyền vẫn còn phổ biến.

“Mặt khác, mặc dù Hà Nội có nhiều thế mạnh về di sản văn hóa, giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc, tham gia vào hệ thống Thành phố sáng tạo của UNESCO nhưng đến với Hà Nội, mọi người vẫn bắt gặp những sản phẩm và dịch vụ văn hóa cũ, ít có sự đổi mới hoặc na ná giống các địa phương khác. Chính điều đó cũng làm giảm sức hấp dẫn của công nghiệp văn hóa Thủ đô”, TS Bùi Thị Kim Chi nhấn mạnh.

Vì vậy, để thực hiện tốt chủ trương tư liệu hóa các di sản văn hóa của Hà Nội, thành phố nên đánh giá tiềm năng chuyển hóa, tích hợp giá trị di sản văn hóa vào trong sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Từ đó, thành phố có định hướng rõ ràng cho việc đầu tư, phát huy giá trị của di sản văn hóa cho phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội.

Đặc biệt, theo các chuyên gia phải hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc nhận diện di sản. Hiện còn nhiều di sản trong cộng đồng do người dân tự quản, cần phải có tiêu chí, kiểm kê. Ngoài ra, đẩy mạnh thực hiện các cam kết với UNESCO về “Thành phố sáng tạo” thông qua thực hiện nghiêm Luật Sở hữu trí tuệ, tổ chức các hội thi sáng tạo, các dự án phát triển đô thị Hà Nội cần chú ý đến không gian sáng tạo mang đặc trưng văn hóa Thăng Long - Hà Nội”, TSKH Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Năm 2018, công nghiệp văn hóa Hà Nội đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm, chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của Hà Nội. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Hà Nội tự tin đặt ra mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được, Hà Nội cũng đứng trước nhiều thách thức, rào cản trong phát huy giá trị di sản văn hóa cho phát triển công nghiệp văn hóa.

Thái Sơn, ảnh Văn Tuyến
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động