Giải đáp thắc mắc của giáo viên về giảng dạy trong kỷ nguyên số
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của ngành giáo dục Thủ đô Nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô qua Ngày hội chuyển đổi số Người trẻ say mê với chuyển đổi số |
Mới đây, tại Hội thảo “Đẩy mạnh chuyển đổi số và giáo dục STEM theo định hướng giáo dục thông minh cấp tiểu học”, giáo viên đại diện các quận Tây Hồ, Hà Đông, Nam Từ Liêm đã có những thắc mắc liên quan đến vấn đề giáo dục công nghệ thông tin (CNTT) và STEM trong nhà trường, tất cả đã được PGS.TS Lê Huy Hoàng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục (Ban Tuyên giáo Trung ương) giải đáp chi tiết.
PGS.TS Lê Huy Hoàng chia sẻ tại buổi Hội thảo |
Câu hỏi của giáo viên quận Tây Hồ: Để nghiên cứu và giảng dạy thành công STEM thì không đơn giản, vậy ngành Giáo dục có thể cung cấp tài nguyên trực tuyến nào để có thể hỗ trợ và đào tạo giáo viên trong các cơ sở giáo dục?
Về câu hỏi này, đồng chí PGS.TS Lê Huy Hoàng nhấn mạnh: “Nguồn tài nguyên trực tuyến là vô cùng phong phú, đa dạng”.
Cụ thể, sự phát triển của CNTT là một lợi thế cực kỳ lớn giúp con người dễ dàng tiếp cận và cập nhật được nhiều nguồn tài nguyên khác nhau. Đối với công tác giảng dạy, giáo viên có thể dễ dàng được giải đáp mọi khó khăn thông qua Google và các thiết bị có kết nối Internet.
Hướng tới hỗ trợ và đồng hành cùng giáo viên trong công tác giảng dạy, Bộ GD&ĐT đã thiết lập một trang Web tri thức, được thầy Thái Văn Tài triển khai rất bài bản, đó là giáo dục STEM tiểu học.
Trong đó, trang Web không chỉ có các chủ đề, kế hoạch bài dạy, mà còn có cả những văn bản chỉ đạo của Nhà nước, tài liệu tập huấn cùng rất nhiều ý kiến chia sẻ của cộng đồng giáo viên liên quan đến vấn đề triển khai thí điểm đợt một, thí điểm đợt 2 và triển khai đại trà giáo dục STEM liên quan đến STEM tiểu học.
Ngoài ra, giáo viên hoàn toàn có thể tìm kiếm và cập nhật phương pháp giáo dục thông qua những kho ý tưởng từ nước ngoài, cùng các công cụ hỗ trợ như Chat GPT.
Trong Youtube, chương trình 5 Minute Crafts là chương trình có thể hỗ trợ thầy cô tạo ra nhiều ý tưởng và áp dụng được nhiều phương pháp giáo dục hấp dẫn cho người học.
Chương trình 5 Minute Crafts được PGS.TS Lê Huy Hoàng gợi ý cho giáo viên |
Như vậy mới thấy, không có gì phức tạp trong việc nghiên cứu và giảng dạy STEM. Bởi, nếu ngay từ ban đầu, thầy cô đã cho rằng dạy STEM không đơn giản thì bản thân mỗi người sẽ có rất nhiều rào cản liên quan đến quyết tâm, hành động, hứng thú và sự sẵn sàng...
Thầy cô giáo đều là những người đã triển khai thực tiễn STEM vào trong các cấp học và họ là những người sáng tạo trong công cuộc đổi mới.
“Vì vậy, bài toán ở đây không phải khó, mà chúng ta phải xác định tâm thế đây là một hoạt động, một hướng tiếp cận mới và nêu cao tinh thần không ngừng học hỏi”, đại diện Vụ Giáo dục cho hay.
Câu hỏi của giáo viên quận Hà Đông: Phần lớn các giáo viên thường đào tạo theo hình thức đơn môn, do đó gặp khó khăn khi triển khai dạy học theo hướng liên môn như giáo dục STEM, vậy giải pháp nào thúc đẩy nhanh việc áp dụng giáo dục STEM trong nhà trường?
Về câu hỏi này, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục cho rằng, đối với giáo dục STEM, cách tốt nhất là chúng ta nên cố gắng hiểu theo hướng mở.
Mỗi thầy cô giáo hoàn toàn có thể tập trung thúc đẩy đơn môn, đó cũng là góp phần vào phát triển giáo dục STEM. Tuy nhiên, giáo dục STEM là phương pháp giáo dục tích hợp theo cách tiếp cận liên môn (Interdisciplinary), bao gồm: toán, khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Vì vậy, nếu chúng ta triển khai đúng thì thông qua việc thực hành, ứng dụng, trẻ sẽ rèn luyện tư duy đa chiều, trẻ tự chủ động tìm hiểu tường tận nguồn gốc của vấn đề bằng cảm nhận tai nghe, mắt thấy, tay làm.
Cùng với đó, đầu ra của chúng ta là một sản phẩm. Sản phẩm đó có kiến thức toán học liên quan đến hình, khối, tính toán; sản phẩm được hoạt động dựa trên nguyên lý của các lĩnh vực khoa học; tạo ra bằng cách nào thì dựa trên cơ sở vật liệu, phương pháp gia công, điều khiển tự động, lập trình của môn công nghệ và môn tin học; tính thẩm mỹ của sản phẩm lại liên quan đến bộ môn nghệ thuật; tính nhân văn trong sản phẩm thì sẽ liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau…
Giáo dục STEM là phương pháp giáo dục tích hợp liên môn |
Bên cạnh đó, những kiến thức ở trường Tiểu học đều khá đơn giản, vì vậy, thầy cô không nhất thiết phải tham gia học tại các lớp bài bản nào liên quan đến kỹ thuật công nghệ, mà có thể học ngay từ môn công nghệ ở tiểu học, đây là cách cung cấp cho chúng ta rất nhiều kiến thức.
Vậy phải làm sao để giáo viên tiếp cận được, điều đó nằm ở phần nhận thức.
Tôi cho nhận thức là thứ quan trọng, ý nghĩa, tầm quan trọng, vai trò của nó trong vấn đề phát triển thương hiệu, uy tín của nhà trường. Trên cơ sở nhận thức về ý nghĩa, cách làm thì chúng ta triển khai theo quy trình như vậy.
Câu hỏi của giáo viên quận Bắc Từ Liêm: Giải quyết như thế nào khi gặp nhiều khó khăn về mặt cơ sở vật chất?
Đối với vấn đề này, ông Hoàng khẳng định: “Giáo dục STEM đúng là gắn với việc tạo ra các sản phẩm, mà tạo ra các sản phẩm thì liên quan đến cơ sở vật chất. Tuy nhiên, khi thiết kế khung Chương trình GDPT 2018, đã có những tuyên ngôn về vấn đề giáo dục STEM trong nhà trường. Chính vì vậy, chúng tôi được yêu cầu thiết lập các thiết bị dạy học tối thiểu. Cụ thể, đối với môn công nghệ: Các thiết bị được nêu ra đủ cho thầy cô giáo trong trường triển khai giáo dục STEM trong nhà trường”.
Đối với vấn đề thiết bị và phương tiện dành cho Giáo dục STEM, việc này được chia ra thành 2 phân khúc.
Phân khúc thứ nhất: Triển khai đại trà và gắn với khung chương trình, các thiết bị nằm trong danh mục tối thiểu, ví dụ: Tấm bìa, súng bắn keo, tre hay những vật liệu tương đối đơn giản để tạo ra các sản phẩm cho học sinh.
Phân khúc thứ hai: Các thiết bị công nghệ hiện đại, lego, điều khiển… về phân khúc này, đòi hỏi các cơ sở giáo dục cần sự hỗ trợ trong công tác đầu tư riêng của thành phố, hoặc kết hợp với các doanh nghiệp để triển khai. Vì vậy, nếu chưa có điều kiện để triển khai phân khúc thứ 2, các cơ sở giáo dục hoàn toàn có thể triển khai theo phân khúc thứ nhất.
Vậy nên, cơ sở vật chất không phải là rào cản khi các trường học thực hiện triển khai liên quan đến vấn đề giáo dục STEM. Trong giáo dục STEM, chúng tôi cũng khuyến khích mô hình về không gian sáng chế, đây là một ý tưởng thiết thực mà các trường cần đặc biệt quan tâm.
Theo PGS.TS Lê Huy Hoàng, khi thiết kế khung Chương trình GDPT 2018 đã có sự thống nhất trong việc thiết lập các thiết bị dạy học tối thiểu trogn nhà trường. |
Cuối cùng, liên quan đến việc dùng chung ý tưởng.
Thứ nhất, trong các không gian mạng của Việt Nam, nơi mọi người cùng nhau chia sẻ, tuy nhiên, những sản phẩm trên mạng thường là sản phẩm có chất lượng chưa đáp ứng được sự hài lòng của thầy cô.
Do đó, nếu dùng chung, chúng ta cần có cơ chế kiểm duyệt cụ thể, rõ ràng. Theo tôi, một trong những cơ chế rất tốt đó là thông qua việc tổ chức các cuộc thi, sau đó tổng hợp lại và đưa nguồn tài liệu cho vào kho chung trên không gian mạng. Từ đó, các thầy cô có thể cùng nhau chia sẻ những gì tinh túy nhất ở trong cái kho tài nguyên đó.
Thứ hai, khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của các thầy cô giáo. Bởi, chính các thầy, các cô là những người gần gũi, gắn bó với học sinh, biết và hiểu được địa phương như thế nào và tạo ra dòng sản phẩm mang chủ đề gắn bó với không gian sinh hoạt của nhà trường, từ đây tạo dựng và xây dựng thương hiệu của nhà trường.
Ngoài ra đại diện Vụ Giáo dục cũng cho biết thêm, Chat GPT hoàn toàn có thể hỗ trợ giáo viên trong thời đại chuyển đổi số.
Lý giải về điều này, ông nói: Nguyên lý giáo dục trước đây là học đi đôi với hành, lý luận đi đôi với thực tiễn, giáo dục nhà trường gắn liền với giáo dục gia đình và xã hội. Nhưng hiện tại, giáo dục chính là trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Vậy có nghĩa, trực tuyến không phải chỉ là một giải pháp để chúng ta ứng phó với COVID-19 như thời gian vừa rồi mà ngay cả trong điều kiện bình thường thì chúng ta cũng cần khai thác triết để môi trường số, môi trường trực tuyến
Như vậy, có một nguyên lý mới chúng ta áp dụng đó là trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Nguyên lý thứ hai: Thực kết hợp với ảo.
Với sự phát triển mạnh mẽ của thực tại ảo đã giúp cho học sinh có những trải nghiệm gắn liền với thực tiễn và vô cùng thiết thực. Kết hợp giữa trí tuệ con người đồng hành với trí tuệ nhân tạo.
"Vì vậy rõ ràng là cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được nảy sinh ra những nguyên lý mới và nguyên lý là thứ mà mỗi thầy cô, mỗi nhà giáo dục đều nắm chặt trong tay để chúng ta có thể có những giải pháp. Khi chúng ta biết được nguyên lý thì chính các thầy, các cô sẽ là những người sáng tạo nhất để biến cái nguyên lý đó trở thành thực tế giáo dục", PGS.TS Lê Huy Hoàng kết lời.