Giá điện gánh cả lỗ tỷ giá, chi tuyên truyền... ?
Bộ Công Thương muốn giá điện sẽ được đóng dấu mật? "Nóng'' vì hóa đơn tiền điện tăng vọt Nguyên nhân làm tăng tiền điện trong hóa đơn |
Cuối tháng 11/2018, trong thông cáo báo chí công bố sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của Bộ Công thương có một số điểm đáng lưu ý. Đó là các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 gồm: số dư chênh lệch tỷ giá chưa được hạch toán vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia là 1.940,29 tỉ đồng; khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2017 khoảng 3.071,14 tỉ đồng.
Có lãi vẫn tăng giá bù các khoản lỗ cũ
Tổng số tiền chênh lệch tỷ giá chưa được tính đầy đủ vào giá điện trong năm 2017 đã hơn 5.000 tỉ đồng. Ngoài ra còn khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện các năm trước cũng chưa được tính vào giá điện. Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), tỷ giá chưa tính vào giá điện của năm 2015 là 754 tỉ đồng, chênh lệch tỷ giá phát sinh trong năm 2018 chưa tính vào giá điện lên tới 3.593 tỉ đồng… Như vậy, riêng tiền chênh lệch tỷ giá, tính cộng dồn qua các năm chưa tính đầy đủ trong giá điện lên tới gần 10.000 tỉ đồng.
Ảnh minh họa. |
Vì thế ngay cả năm lãi hàng nghìn tỉ đồng, nhưng năm sau đó, giá điện cũng phải tăng với lý do… bù lỗ cho các khoản lỗ cũ và tỷ giá chênh lệch. Đơn cử năm 2017 EVN báo lãi 2.799,08 tỉ đồng, nhưng với khoản chi phí chưa được tính đủ trong giá thành điện của các năm trước (trong đó có tiền chênh lệch tỷ giá), giá điện từ năm 2019 phải được “tính toán lại” và một trong những cách giảm khoản lỗ, chênh lệch tỷ giá đang treo của mấy năm trước bằng cách tăng giá bán điện vào tháng 3 vừa qua là vậy. Ước tính, năm nay, sau khi tăng 8,36% giá điện, EVN sẽ tăng thu được 20.000 tỉ đồng. Nếu thêm định mức lãi 3%, EVN sẽ tăng thu thêm hơn 6.500 tỉ đồng nữa. Tuy nhiên, theo EVN, ngành vẫn phải chi trả chi phí đầu vào tăng thêm gồm than 7.000 tỉ đồng, chênh lệch giá khí bao tiêu gần 6.000 tỉ đồng, chênh lệch tỷ giá gần 4.000 tỉ đồng và các khoản chi khác khiến tổng chi lên đến 21.000 tỉ đồng.
Nguyên tắc tính giá điện chỉ bao gồm những chi phí phục vụ việc vận hành, cung ứng điện. Tuy nhiên, trong thực tế, có những khoản chi “trời ơi” vẫn được đưa vào trong chi phí sản xuất kinh doanh điện như chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện tại các công ty điện lực. Năm 2016, theo EVN, tổng chi tuyên truyền tiết kiệm điện là 331 tỉ đồng, tăng lên 488 tỉ đồng vào năm 2017 (tăng đến 157 tỉ đồng, tức tăng 47% sau một năm).
Đó là chưa tính các khoản lỗ đầu tư trái ngành lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng đã được Thanh tra Chính phủ phát hiện trước đây được đưa vào tính giá điện. Trong góp ý dự thảo Quyết định sửa đổi Quyết định 24 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhấn mạnh, cần làm rõ nội dung “tổng các chi phí khác, bao gồm chi phí tỷ giá và các chi phí khác hợp lý, hợp lệ theo quy định hiện hành” trong việc tính giá điện. Bởi theo VCCI, EVN có rất nhiều khoản chi ứng với các hoạt động đa dạng. Trước đó, năm 2013, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng nêu EVN không chỉ có nhiều sai lầm trong đầu tư ngoài ngành gây thua lỗ mà còn hạch toán chi nhiều khoản chi sai không đúng mục đích vào giá bán điện.
Tính "vơ" nhiều chi phí vào giá điện
Chuyên gia năng lượng Trần Văn Bình (Việt kiều Đức), hiện cố vấn nhiều dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam, cho rằng, cách “vơ” hết các chi phí vào công thức tính giá điện là đi ngược lý thuyết kế toán. Không ai tính giá thành sản phẩm điện gồm các chi phí lỗ từ đầu tư ngoài ngành, chi phí đầu tư các hoạt động vui chơi giải trí hay tuyên truyền của ngành như vậy được. Ngành điện đưa vào chi phí tính toán giá thành điện không minh bạch nên dù Bộ Công thương có cho rằng, các khoản lỗ hàng chục nghìn tỉ đồng của EVN từ mấy năm trước không tính vào giá điện bán ra thì chính người dân cũng chưa tin. Bởi khi tăng giá điện để bù lỗ, không phải bù cho khoản này thì bù khoản nào?
"Ngày nào vẫn còn những cụm từ cực kỳ chung chung khó hiểu như “chi phí khác hợp lý” thì cơ quan chủ quản muốn trấn an dân chúng rằng chúng tôi không cho bù lỗ cho các khoản lỗ đầu tư trái ngành, người tiêu dùng vẫn nghi ngại”, ông Bình chia sẻ và nói thêm, đầu tư vào ngành điện thật ra rất lớn, nhưng kiểm soát đấu thầu, chất lượng vật tư thiết bị vẫn còn là ẩn số. Chính nhà điện tự quyết định chọn nhà thầu nào, mua thiết bị, thay thế... và khấu hao đầu tư vào giá thành. Trong khi, cần thiết có cơ quan kiểm định, đánh giá độc lập chất lượng vật tư thiết bị đầu tư ngành điện (đầu vào) thì không thấy.
Theo chuyên gia này, ở Đức, hiện có 3-4 tập đoàn tư nhân lớn chuyên đầu tư về điện năng, họ hoạt động độc lập, cạnh tranh tốt với nhau. Không có chuyện độc quyền điện, họ “chơi” theo luật kinh tế cạnh tranh thị trường, thuận mua vừa bán, chuyện lợi nhuận định mức không nghe nói đến.
Nói thêm về gánh nặng chênh lệch tỷ giá, theo một chuyên gia kinh tế, tính đến cuối năm 2018, thủy điện vẫn cung cấp ra thị trường sản lượng lớn nhất, lên đến 41% và điện than chiếm 37%... vậy điện được sản xuất từ nước sao lại lấy tỷ giá ra tính ? Giả sử chênh lệch tỷ giá này có thể hiểu là tiền nhập khẩu than để làm nhiệt điện, thì theo chuyên gia kinh tế tài chính Nguyễn Trí Hiếu, thường khoản chênh lệch tỷ giá được hạch toán vào giá thành là hợp lý về nguyên tắc. Tuy nhiên, nó chỉ áp với hàng hóa của các doanh nghiệp cạnh tranh bình thường trên thị trường. Với điện, hình thức kinh doanh độc quyền, không cạnh tranh với ai, hoạch toán kiểu đó là không đúng. Thứ nữa, vay ngoại tệ sẽ trả ngoại tệ thường doanh nghiệp chịu khoản lỗ, nhưng họ hoàn toàn lường trước được biến động tỷ giá bằng công cụ mà ngân hàng cung cấp khi mua ngoại tệ. Và dù có phải chịu khoản bù chênh lệch tỷ giá, song đổi lại, doanh nghiệp khi vay ngoại tệ lại được hưởng lãi suất thấp hơn vay tiền đồng nên thiệt hại thật ra không quá lớn.