Dư luận ghi nhận sự quyết liệt ứng phó bão lũ của cả hệ thống chính trị

Dư luận ghi nhận sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đối với công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả của mưa lũ sau cơn bão số 3.
Bảo hiểm có thể phải bồi thường hàng nghìn tỷ đồng sau bão lụt Cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ cùng đồng bào vượt qua bão lũ

Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự đau xót trước trước việc lũ vượt mốc lịch sử, gây ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét xảy ra ở nhiều địa phương, gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ chiều 11/9 và tại Công điện số 93-CĐ/TTg trong đó tiếp tục nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai và đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình… được dư luận đánh giá cao, cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ, hệ thống chính trị các cấp trong công tác ứng phó, phòng chống, khắc phục hậu quả sau bão.

Đặc biệt, hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo ở các địa phương; thị sát tình hình, thăm hỏi đời sống người dân, kiểm tra, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ ứng một cách gần gũi, khẩn trương, tạo sự yên tâm, vững tâm trong xã hội và ghi nhận sự quyết liệt, sâu sát, kịp thời của người đứng đầu Chính phủ.

Nhiều hoạt động hỗ trợ từ các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp trong cả nước; các quốc gia, tổ chức quốc tế nhằm giúp đỡ đồng bào các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do bão số 3 gây ra được dư luận đánh giá là những hoạt động hỗ trợ thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, kịp thời hỗ trợ đồng bào các địa phương vượt qua giai đoạn khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Dư luận ghi nhận sự quyết liệt ứng phó bão lũ của cả hệ thống chính trị
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, thiên tai tại Yên Bái, ngày 12/9.

Đối với thành phố Hà Nội, ý kiến chung đánh giá tích cực công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp với tinh thần chủ động, quyết liệt phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất.

Việc UBND TP Hà Nội ban hành Công điện số 15, Công điện số 16, tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, khắc phục hậu quả sau bão số 3 và mưa lũ sau bão và đảm bảo an toàn đê điều, trong đó, tập trung rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các địa bàn trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ”; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhất là tại các địa bàn trọng điểm xung yếu để kịp thời triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu;.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội có văn bản số 169/BCH về việc nghiêm túc thực hiện công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều được dư luận đánh giá là những việc làm cần thiết, cấp bách trong thời điểm nay.

Việc các địa phương chủ động di dời người, tài sản ở những vùng ngập lụt để đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng của người dân, đồng thời cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm để người dân an tâm ở nơi tạm trú; hỗ trợ thực phẩm thiết yếu cho người dân ở các xã bị ngập.

Thành phố Hà Nội cũng đã thường xuyên cập nhật kịp thời về tình hình thời tiết, diễn biến mưa lũ sau bão số 3 trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là ứng dụng Công dân Thủ đô số - iHanoi, giúp người dân kịp thời nắm bắt thông tin và chủ động các phương án ứng phó, hình ảnh về các đồng chí lãnh đạo thành phố trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ, thăm, động viên Nhân dân khu vực ngoài đê đã di dời về nơi ở an toàn… được dư luận đồng tình đánh giá cao.

Trong ngày 12/9, sau khi lũ trên các sông bắt đầu xuống, thành phố rút cảnh báo lũ ở một số đoạn trên sông Hồng, thời tiết khô ráo hơn, tâm trạng người dân có phần “nhẹ” hơn, song cơ bản vẫn là sự băn khoăn về tình trạng ngập lụt tại một số địa phương và quan tâm tới công tác vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh sau ngập lụt của các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến phản ánh tình trạng một số hàng hóa thực phẩm như rau xanh, mỳ tôm, phở gói có hiện tượng tăng giá và khan hiếm, nhất là ở những khu vực bị ngập lụt.

Thời gian tới, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục cập nhật diễn biến tình hình ngập úng, tăng cường thông tin khuyến cáo và hướng dẫn kỹ năng cho người dân phòng, chống, thích ứng, khắc phục hậu quả bão lụt và khôi phục đời sống, sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, các cơ quan quản lý thị trường tăng cường giám sát, kiểm tra thị trường, hạn chế không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong thời gian sau bão.

Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đề nghị tiếp tục thông tin thường xuyên diễn biến, tác động của hoàn lưu cơn bão số 3. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ năng ứng phó giông lốc, sấm sét, mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất và ngập úng để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Cùng với đó là tăng cường thông tin về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ Trung ương, Thành phố đến địa phương, cơ sở trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân; tiếp tục triển khai các giải pháp để hỗ trợ Nhân dân di chuyển đến nơi an toàn, hỗ trợ nơi ở, ăn uống; khôi phục sản xuất nông nghiệp; chủ động đảm bảo nguồn cung hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm, rau xanh; hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại một số địa bàn chịu ảnh hưởng của bão, lũ…

Hậu Lộc
Phiên bản di động