Cuộc sống mới tại Trung Châu
Co-opBank đồng hành, hỗ trợ người dân Cao Bằng sớm ổn định cuộc sống |
Không đâu vất vả như Trung Châu...
Trong số 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc huyện Đan Phượng, Trung Châu là xã duy nhất có vị đứng đầu cấp ủy là người địa phương. Phát triển từ Bí thư đoàn xã, hiện tại giữ cương vị Bí thư Đảng ủy xã, ông Đỗ Văn Đang trải qua nửa đời gắn bó với các hoạt động của xã Trung Châu, vì thế, hiếm ai hiểu rõ địa phương nằm ở ven sông Hồng này như ông Đang.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đê điều tại xã Trung Châu |
Tiếp xúc với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Đang cứ lắc đầu không ngớt, mệt mỏi nói: "Thật sự không đâu vất vả như nông dân xã chúng tôi. Tất cả diện tích trồng cấy của xã đều nằm phía ngoài đê sông Hồng, vì thế, chỉ cần nước dâng lên, nông dân lại đứng trước nguy cơ mất mùa. Không những thế, mấy năm gần đây, được sự đồng ý của huyện Đan Phượng, chúng tôi đã triển khai trang trại chăn nuôi quy mô lớn".
Nước ngập mấp mé đê bao Vân Thủy, xã Trung Châu |
Trong những năm vừa qua, nông nghiệp đã góp phần thay đổi diện mạo của Trung Châu. Đáng chú ý, ở lĩnh vực nông nghiệp, xã tập trung chỉ đạo phát triển theo hướng sản xuất hữu cơ, chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Năm 2022, sản phẩm thịt lợn Trung Châu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Thịt lợn an toàn Trung Châu - Đan Phượng”.
Song, một cơn bão bùng khủng khiếp càn quét qua, những nỗ lực nhiều năm của người dân Trung Châu gần như đã bị cuốn phăng theo nước lũ sông Hồng.
Trước đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ ngày 6 - 9/9, huyện Đan Phượng có mưa to. Lượng mưa đo được trung bình toàn huyện từ 17 giờ ngày 6/9 đến 6 giờ 00 ngày 9/9 là 140,0mm. Mưa lớn rào rào và gió giật điên cuồng đã làm đổ 27 cột điện tại xã Phương Đình, Hạ Mỗ, Liên Hồng, Song Phượng, Đồng Tháp, Liên Hà, Thọ Xuân, Trung Châu và 1 sự cố Trạm biến áp xã Liên Trung làm mất điện cục bộ tại một số xã.
Người dân, cán bộ huyện Đan Phượng gia cố đê bao Vân Thủy |
Toàn huyện có 727 cây xanh bị gãy, đổ, nghiêng (xảy ra ở tất cả các xã, thị trấn). Diện tích sản xuất trồng trọt bị thiệt hại là 34,2ha. Về chăn nuôi, có 12 con lợn chết, 170 gia cầm chết do tốc mái chuồng trại, mưa ướt. Về thủy sản vỡ 6 lồng cá nuôi trên sông Hồng, thiệt hại khoảng 4 tấn cá…
Trong khi đó, đê bao Vân Thủy, xã Trung Châu, là một trong những khu vực đê xung yếu của huyện Đan Phượng. Ông Nguyễn Văn Năm, trưởng thôn 5, xã Trung Châu cho biết, việc giữ vững đập bao Vân Thủy với chiều dài gần 2km có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ an toàn cho khu vực đê bối của huyện Đan Phượng.
Bí thư Đảng ủy xã Trung Châu Đỗ Văn Đang bồi hồi nhớ lại: "Nếu để xảy ra vỡ đê, sẽ có 659 hộ dân với 2.940 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp. Chính vì thế, huyện và xã đã huy động tất cả lực lượng, thâu đêm đóng cọc, đắp bao cát để giữ đê. Bữa ấy, trên trời đổ mưa, dưới sông nước dâng, con người dầm dã trong con nước, nhưng không ai không quyết tâm. Thật may mắn, chúng tôi đã giữ được đê".
Cuộc sống tái sinh sau bão lũ
Gần 20 ngày kể từ khi bão số 3 đổ bộ và nước sông Hồng qua huyện Đan Phượng dâng cao vượt mức báo động số 2 qua đi, nhưng những gì để lại đối với sản xuất nông nghiệp vùng bãi ven dải sông này vẫn thật khủng khiếp, chưa thể xoa dịu. Từ đê sông Hồng phóng tầm mắt nhìn xuống cánh bãi các xã Trung Châu, Hồng Hà, Liên Hồng, Liên Hà… đã không còn màu xanh mướt của rau màu, hoa trái, thay vào đó là một màu nâu xám của cây cối chết khô, đổ gãy và nhuộm đỏ bùn đất phù sa. Lại gần hơn nơi bãi nổi, những con đường vẫn còn nhầy nhụa bùn đất; mùi nồng nặc bởi các loại hoa màu bị thối hỏng đang phân hủy...
Theo báo cáo của UBND xã Trung Châu, bão số 3 gây tung mái, bung nóc hàng chục ngôi nhà, diện tích hoa màu bị mất trắng là gần 20 héc-ta, nhiều gia súc, gia cầm bị cuốn trôi...
Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô trao đổi với Bí thư Đảng ủy xã Trung Châu Đỗ Văn Đang |
Khu vực bãi nổi xã Trung Châu, qua quan sát của phóng viên, gần như toàn bộ diện tích cây ăn quả như chuối, đu đủ, phật thủ, rau đều chết do úng ngập quá lâu, cành lá đã héo khô. Đặc biệt, vùng trồng phật thủ là cây lâu năm, có giá trị kinh tế cao, đa số bị chết khô.
Anh Lương Anh Đức chia sẻ, gia đình anh trồng phật thủ từ năm 2017. Diện tích trồng phật thủ của gia đình là 9,2 mẫu, cây được 1 năm tuổi đã héo khô sau bão lũ. “Không kể ngày công lao động của cả gia đình, tôi đầu tư vào vườn phật thủ này 250 triệu/mẫu, với gần 10 mẫu tương ứng với hơn 2 tỷ đồng. Số tiền đầu tư là toàn bộ tích lũy của gia đình cộng với vay mượn anh em họ hàng bằng vàng. Nay vườn cây chết hết, tôi chưa biết phải làm thế nào”.
Nỗ lực của cán bộ, Nhân dân đã giữ đê bao Vân Thủy an toàn |
Để hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất sau mưa bão, Bí thư Đảng ủy xã Trung Châu Đỗ Văn Đang cho biết, địa phương đang tiến hành thống kê các thiệt hại, đồng thời, có phương án để nông dân có thể tiếp tục trồng cây ăn quả và chăn nuôi.
'Mấy chục năm qua, chúng tôi chưa phải trải qua bài kiểm tra ghê gớm thế này, bão lũ quá mạnh khiến chúng tôi dù đã cố gắng nhưng không kịp trở tay. Hiện thời, với sự nỗ lực của hệ thống chính trị, sự cần cù của người nông dân, rất hi vọng Trung Châu sẽ sớm lấy lại màu xanh như chưa từng giông bão' - Bí thư Đảng ủy xã Trung Châu Đỗ Văn Đang bày tỏ.