e magazine
31/03/2025 14:18
Thanh Hoá: Theo chân "biệt đội bẫy ảnh" thú hoang dã VQG Xuân Liên

31/03/2025 14:18

Những "chiến binh" ngày đêm xuyên qua những cánh rừng xanh thẳm của vườn Quốc gia (VQG) Xuân Liên thuộc huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa) "săn" các loại thú hoang dã bằng hình ảnh để bảo tồn, phát hiện thêm những loài động vật mới.
Ông bầu Cao Tiến Đoan phải bán 10 căn nhà để duy trì Thanh Hóa FC CLB Đông Á Thanh Hoá có tân HLV trưởng

Theo chân "biệt đội bẫy ảnh" thú hoang dã VQG Xuân Liên

Những "chiến binh" ngày đêm xuyên qua những cánh rừng xanh thẳm của vườn Quốc gia Xuân Liên thuộc huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa) "săn" các loại thú hoang dã bằng hình ảnh để bảo tồn và phát hiện thêm những loài động vật mới.

Hành trình thầm lặng giữa rừng xanh

Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Liên được thành lập vào tháng 12/1999 (thuộc địa bàn 5 xã, thị trấn của huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) với tổng diện tích trên 25.000 ha, trong đó gần 24.000 ha được bảo vệ nghiêm ngặt.

Xuân Liên hiện là một trong những VQG có sự đa dạng sinh học hàng đầu tại Việt Nam, với nhiều loài động - thực vật trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, có giá trị về khoa học và sinh thái. Theo kết quả điều tra, VQG Xuân Liên hiện có 1.142 loài thực vật, trong đó nhiều loài lần đầu tiên được ghi nhận trên thế giới. Đáng chú ý là quần thể rừng pơ mu, sa mu thuộc loại quý hiếm trên 1.000 năm tuổi.

Dù là VQG còn rất đa dạng, độc đáo nhưng khu vực giàu rừng lại tập trung tại 2 xã Bát Mọt và Yên Nhân giáp nước bạn Lào, cách nơi đặt trụ sở của vườn hơn 60 km, việc đi lại vô cùng khó khăn.

Để bảo vệ sự đa dạng sinh học nơi đây, những cán bộ kiểm lâm và bảo tồn không quản ngày đêm, lặng lẽ đặt bẫy ảnh, theo dõi dấu vết và thu thập dữ liệu về sự hiện diện của các loài động vật hoang dã.

Xuân Liên hiện là một trong những VQG có sự đa dạng sinh học hàng đầu tại Việt Nam.

Để ghi nhận hành trình của những "chiến binh" ngày đêm xuyên qua những cánh rừng xanh thẳm của vườn Quốc gia Xuân Liên thuộc huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa) "săn" các loại thú hoang dã bằng hình ảnh để bảo tồn và phát hiện thêm những loài động vật mới, chúng tôi đã vượt hơn 60 km từ TP Thanh Hoá hướng về phía Tây đến Trạm Kiểm lâm bản Phống (xã Bát Mọt) ngủ qua đêm và chờ hành trang lội suối, vượt cánh rừng già đến những điểm có dấu tích để lại của động vật hoang dã, quý hiếm...

Đúng 6h sáng, tiếng chuông đồng hồ reo lên từng hồi và bản làng đang chìm trong sương mờ, cùng cái lạnh thấu da, anh Nguyễn Mậu Toàn - cán bộ VQG Xuân Liên gõ từng phòng, thúc giục chúng tôi chuẩn bị hành trang lên đường. "Hành trình vào khu vực đặt bẫy ảnh nằm sâu giữa rừng, đường đi toàn trèo đèo, lội suối, mất nửa ngày mới tới. Vì thế, anh em phải đi thật sớm", anh Toàn nói.

Anh Nguyễn Mậu Toàn - cán bộ VQG Xuân Liên hướng dẫn mọi người về quy trình cũng như kỹ thuật đặt bẫy ảnh.

Trong chuyến hành trình 1 tuần đi vào rừng sâu đặt bẫy ảnh, nhóm chúng tôi gồm 9 người. Trong có, có anh Nguyễn Mậu Toàn - cán bộ VQG Xuân Liên; chuyên gia đặt bẫy ảnh của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển (CCD); 5 người trong tổ bảo lâm bản Phống và phóng viên.

Hành trang mang theo là những chiếc bẫy ảnh chuyên dụng, gạo, cá khô, thịt, mì tôm, xoong nồi, thuốc men… đủ cho một nhóm khoảng 8-10 người có thể ăn, ở khoảng 1 tuần trong rừng sâu.

Đúng 8h, đoàn chúng tôi xuất phát từ Trạm Kiểm lâm bản Phống, dự kiến đến điểm dừng chân nằm sâu trong rừng hơn 5 giờ đồng hồ. Vượt qua những con suối trong vắt, len lỏi giữa tán rừng già, những cán bộ bảo tồn cẩn thận khảo sát từng khu vực. Họ tìm kiếm dấu chân, phân, vết cào trên cây hay những âm thanh đặc trưng của các loài động vật.

Anh Toàn cho biết vị trí đặt bẫy ảnh tùy thuộc vào từng nhiệm vụ và loại thú, từ các trảng cỏ, bờ suối đến các khoảng rừng rậm. Với thú lớn như nai, vượn… máy ảnh được đặt cao từ 0,6-0,8 m, còn với thú nhỏ, máy đặt thấp từ 0,2-0,4 m. Ngoài rừng rậm, bẫy ảnh còn được đặt ở bờ suối, nơi có dấu vết động vật, để ghi lại hình ảnh khi chúng ra uống nước.

Những nụ cười cùng hành trang đi vào rừng sâu của "biệt đội bẫy ảnh".

Để tìm được những dấu vết của thú hoang dã, đội bẫy ảnh phải vượt qua nhiều cánh rừng rậm, đầm lầy và suối hiểm trở để đến khu vực cần đặt bẫy ảnh. Anh Toàn cho biết, anh đã gắn bó 16 năm với rừng và không nhớ đã ngủ giữa rừng biết bao lần. Có những lần đối diện hiểm nguy nhưng với anh, mỗi chuyến đi là một trải nghiệm khó quên. Anh bảo nếu không yêu rừng, yêu thiên nhiên, có lẽ khó có thể gắn bó với nghề cho đến bây giờ.

"Rừng Xuân Liên cực kỳ hiểm trở, khi đã vào rừng sâu, tất cả thế giới đều ở lại phía sau những tán rừng, chỉ có anh em trong đoàn tự lo cho nhau tới khi hoàn thành nhiệm vụ và ra khỏi rừng an toàn", anh Toàn chia sẻ.

Theo anh Toàn, ngoài nhiệm vụ đặt bẫy ảnh, các cán bộ VQG Xuân Liên còn thực hiện tuần tra, kiểm soát rừng, ngăn chặn lâm tặc và bảo tồn hệ sinh thái đa dạng của VQG Xuân Liên

Thuốc trị vắt là hành trang không thể thiếu khi đi rừng của các cán bộ trong tổ bảo lâm bản Phống.

Gặp gỡ những “báu vật” rừng xanh

Sau khoảng 2 giờ di chuyển trong rừng, đội bẫy ảnh đã tìm ra được dấu tích của loài Rái cá ở bên bờ suối. Ngày sau đó, Lầu A Ký (SN 1996, quê tỉnh Lào Cai), chuyên gia đặt bẫy ảnh của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển (CCD), liền bắt tay vào công việc là phát quang cây cối tìm điểm đặt bẫy ảnh và đặc biệt chọn đúng điểm khi loài Rái cá đi vào để thu được hình ảnh.

"Đặt bẫy ảnh là công việc không hề dễ dàng, vì thường ở những vị trí khó khăn, hiểm trở. Để việc đặt bẫy thu được kết quả tốt nhất thì phải tuần rừng, ghi nhận thực địa, xác định những vị trí có thể là nơi thường xuyên có động vật qua lại. Khi đã khảo sát kỹ, lúc đó mới đặt bẫy. Việc phát hiện các lối mòn, dấu chân, phân động vật hay vỏ cua, ốc... rất quan trọng, quyết định thành bại trong việc đặt bẫy ảnh", anh Ký cho hay.

Bẫy ảnh thường được đặt cố định, có thể gần khe suối, trên cây hay hốc đá tùy tập tính và vùng sống của mỗi loài. Tuy nhiên, theo anh Ký, không gian đặt bẫy phải thoáng đãng, tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời để ảnh không bị lóa. Quá trình đặt bẫy phải phát quang cây cối để máy ảnh có thể chớp được nhiều khoảnh khắc. Bởi sau khi đặt bẫy khoảng 2-3 tháng, đơn vị mới quay lại thu nhận kết quả.

Dù còn trẻ nhưng anh Ký đã tham gia công việc đặt bẫy ảnh 5 năm. Anh nói đã lần tìm dấu chân thú rừng hầu khắp các VQG và khu bảo tồn ở Việt Nam. Mỗi nơi đều có những khó khăn và điểm chung là làm việc trong rừng sâu, điều kiện sinh hoạt vô cùng vất vả. Tuy nhiên, với anh, VQG Xuân Liên là nơi để lại cho anh nhiều điều kỳ thú.

"Tôi từng đi các VQG như Cát Tiên (Đồng Nai), Vũ Quang (Hà Tĩnh), Cúc Phương (Ninh Bình), Bến En (Thanh Hóa)… nhưng chưa có nơi nào ấn tượng như Xuân Liên khi có hệ sinh thái rừng rất độc đáo, đa dạng, nhiều khu gần như chưa từng bị con người xâm hại. Đây cũng là thách thức rất lớn cho chúng tôi, bởi đường đi khó, đồi núi cao, nhiều sông suối chia cắt nhưng lại có ý nghĩa lớn cho việc đặt bẫy ảnh, vì càng ít người lui tới, động vật càng sinh sống nhiều", anh Ký nói.

Ngày đầu tìm kiếm, bộ đội cùng người dân dùng tay đào bới đống đổ nát

Đây là lần thứ 2 anh Ký tham gia đặt bẫy ảnh tại VQG Xuân Liên. Lần đầu tiên là năm 2022, đơn vị đặt 37 bẫy. Năm nay số lượng bẫy ảnh sẽ đặt lớn hơn 85 máy, tại nhiều vị trí khác nhau.

"Năm 2022, chúng tôi thu được những hình ảnh về hệ động vật nơi đây. Thông qua bẫy ảnh, ghi nhận có nhiều động vật quý hiếm sinh sống như: hoẵng, cầy vòi mốc, gà lôi, sơn dương, gà tiền, khỉ mặt đỏ, voọc xám, cu li… Điều này cho thấy hệ sinh thái ở Xuân Liên đang rất đa dạng. Đây là những thước phim rất quý giá cho việc bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học", anh Ký cho biết thêm.

Theo anh Ký, chuyến đi này, anh dự kiến sẽ ở trong rừng 10 ngày để hoàn thành việc lắp đặt 30 chiếc bẫy ảnh. Ngoài anh, còn 1 nhóm khác đặt 55 bẫy ảnh ở nhiều vị trí.

Theo chân "biệt đội bẫy ảnh" thú hoang dã VQG Xuân Liên

Tham gia tổ bảo lâm từ những ngày đầu thành lập, ông Lang Văn Cương (SN 1973, ngụ xã Bát Mọt) là một trong những thành viên nòng cốt. Ngoài công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm hại rừng, ông còn tích cực giúp lực lượng kiểm lâm trong việc đặt bẫy ảnh. Nhờ thông thuộc địa hình, núi rừng, ông tìm ra được rất nhiều dấu vết của các loài động vật, giúp việc đặt bẫy ảnh thành công, thu được nhiều thước phim giá trị.

"Trước đây bản làng sống dựa vào rừng và tôi cũng từng tham gia phá rừng làm nương rẫy, đốn hạ gỗ rừng mang bán, săn bắt thú rừng. Tuy nhiên, từ khi tham gia tổ bảo lâm, thấy ý nghĩa lớn của việc bảo vệ rừng, ông nhiệt tình tham gia. Tôi thấy mình phải có trách nhiệm bảo vệ những cánh rừng còn lại ở Xuân Liên, bởi những gì tôi và nhiều người trong bản đã gây ra cho rừng", ông Cương bộc bạch.

Theo ông Cương, có những chuyến đi tuần rừng gặp mưa lớn, nước suối dâng cao, không thể ra khỏi rừng, lương thực cạn kiệt, mọi liên lạc ra bên ngoài không có. Lúc đó, các thành viên trong tổ bảo lâm phải tự thân vận động, tìm kiếm cây, quả trong rừng để cải thiện bữa ăn qua ngày. Do được sinh ra ở rừng, lớn lên cũng bám vào rừng, đặc biệt là qua mỗi chuyến đi, kỹ năng sinh tồn được đúc rút. Vì thế, nhiều chuyến đi dù vất vả, đối diện hiểm nguy nhưng đều vượt qua.

Chuyên gia đặt bẫy ảnh cùng cán bộ VQG Xuân Liên kiểm tra khu vực thường xuyên có động vật hoang dã lui tới.

Anh Nguyễn Mậu Toàn cho biết, thông qua điều tra thực tế tại Xuân Liên, ghi nhận có rất nhiều loài vượn đen má trắng (một loại linh trưởng quý hiếm, có tên trong Sách Đỏ) sinh sống.

Tuy nhiên, vẫn chưa ghi nhận được cụ thể số lượng đàn, tổng số cá thể. Sau khi có những hình ảnh ghi được, chúng tôi xác định tại Xuân Liên có ít nhất khoảng 64 đàn vượn đen má trắng, số lượng khoảng 180 cá thể và là nơi có quần thể vượn đen má trắng với số lượng lớn nhất Việt Nam" - anh Toàn hồ hởi.

Những công việc thầm lặng của "biệt đội bẫy ảnh" trong rừng sâu.

Phó Giám đốc VQG Xuân Liên Ngô Xuân Thắng cho biết, để bảo tồn sự đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn gien sinh vật, giáo dục môi trường và nghiên cứu khoa học hiệu quả, VQG đã triển khai giao khoán bảo vệ rừng cho từng người dân địa phương. VQG phối hợp chi trả kinh phí môi trường rừng để nâng cao thu nhập cho người dân.

VQG Xuân Liên rất quan tâm tới việc triển khai các chương trình, dự án để người dân trong vùng có kế sinh nhai bền vững. Những mô hình như nuôi trồng sản phẩm đặc trưng, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá... sẽ được nhân rộng để góp phần cải thiện đời sống người dân vùng đệm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

"Người dân địa phương luôn chung tay bảo vệ rừng, xem rừng như nguồn sống. Vì thế, Xuân Liên còn tồn tại những cánh rừng già hiếm thấy, góp phần tạo nên một VQG đa dạng sinh học. Các cuộc điều tra cho thấy sự đa dạng sinh học ngày càng thể hiện rõ qua số lượng loài, cá thể, tổng đàn được ghi nhận ngày càng tăng", ông Thắng nói.

Thiết bị bẫy ảnh được bảo vệ trong hộp sắt chắc chắn, buộc dây cáp cố định vào thân cây, hoạt động ít nhất 3 tháng trước khi cần thay pin và thẻ nhớ.

Theo báo cáo của VQG Xuân Liên, qua những đợt điều tra thực địa, đặt bẫy ảnh, ngoài ghi nhận sự đa dạng của hệ động vật tại đây, lực lượng chức năng còn xác định tại Xuân Liên có sự phân bố, sinh sống của 5 loài cầy có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, gồm: cầy vằn bắc, vòi mốc, vòi hương, móc cua và cầy gấm.

Từ những kết quả trên, nhằm bảo vệ các loài cầy quý hiếm, VQG Xuân Liên đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng và chính quyền địa phương tại 11 thôn vùng đệm về bảo tồn các loài cầy. Đồng thời, xây dựng các tuyến điều tra trên thực địa, sinh cảnh sống, để xây dựng bộ cơ sở dữ liệu bản đồ về quần thể, phân bố và sinh cảnh của các loài trong họ cầy.

Sau khi cố định bẫy ảnh, Lầu A Ký tạo những hành động để xe bẫy ảnh có thu được hình ảnh hay không. "Bẫy ảnh là thiết bị máy ảnh chuyên dụng, sử dụng cảm biến và đèn hồng ngoại để phát hiện chuyển động của động vật, tự động chụp và lưu hình vào thẻ nhớ", Lầu A Ký cho hay.

Dù là trèo đèo hay lội suối những "chiến bình" vẫn không quản ngại khó khăn, đến từng điểm nơi có dấu tích của các loài động vật hoang dã, ghi nhận hình ảnh.

Những giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi của "biệt đội bẫy ảnh" nơi con suối nằm sâu trong cánh rừng già thuộc VQG Xuân Liên.

Vất vả là thế nhưng đối với những "chiến binh" rừng xanh vẫn luôn nở nụ cười và tiếp tục cuộc hành trình giữ rừng.

Bước chân không mệt mỏi của những "chiến binh" rừng xanh.

Lán trại ở qua đêm của "biệt đội bẫy ảnh" nằm sâu trong rừng. Khi đến nơi, không ai bảo ai, người chuẩn bị cơm nước cho đoàn. Người kiểm tra máy móc. Người hướng mắt quanh các hướng để nghe ngóng, nắm tình hình.

Theo anh Toàn, khu vực dừng chân gần suối, thuận tiện cho việc nghỉ ngơi, ăn uống, tắm giặt. "Nơi này đã được chúng tôi khảo sát kỹ vì nằm giữa trung tâm vùng lõi VQG Xuân Liên, ít người lui tới, sẽ là nơi có nhiều động vật thường xuyên qua lại. Việc di chuyển các hướng đặt bẫy ảnh cũng như tới các tổ chốt bảo vệ khác cũng thuận lợi", anh Toàn nói.

Có trực tiếp tham gia cùng những "chiến binh" giữa đại ngàn, mới thấy sự hy sinh thầm lặng của họ. Giữa núi rừng mênh mông, đoàn hết trèo lên những con dốc cao uốn lượn quanh những quả đồi, lúc lại lội qua những con suối lởm chởm đá. Hành trình ấy cứ lặp đi lặp lại theo những cung đường mỗi lúc một hiểm trở, hun hút

Sau khi lắp đặt, đội bẫy ảnh kết nối với điện thoại để kiểm tra lại các tính năng hoạt động của máy

Sau một thời gian, máy đã ghi được những loài động vật hoang dã với hình ảnh rõ nét, thông báo và ảnh lập tức được gửi về điện thoại của đội.

Động vật được ghi nhận thông qua bẫy ảnh.

VQG Xuân Liên vẫn xanh thẳm, những bước chân lặng thầm của các cán bộ bảo tồn vẫn tiếp tục hành trình không mệt mỏi. Nhờ những nỗ lực ấy, nhiều loài động vật quý hiếm có thêm cơ hội tồn tại và phát triển, giữ gìn kho báu thiên nhiên cho thế hệ mai sau.

Xe quá khổ, quá tải "hoành hành" khu dân cưXe quá khổ, quá tải "hoành hành" khu dân cư
Ông bầu Cao Tiến Đoan phải bán 10 căn nhà để duy trì Thanh Hóa FCÔng bầu Cao Tiến Đoan phải bán 10 căn nhà để duy trì Thanh Hóa FC
CLB Đông Á Thanh Hoá có tân HLV trưởngCLB Đông Á Thanh Hoá có tân HLV trưởng

Ngô Nhung - Bảo An