Bảo hiểm có thể phải bồi thường hàng nghìn tỷ đồng sau bão lụt
Sau gần 6 ngày, cơn bão số 3 (Yagi), cơn bão có tốc độ tăng cấp nhanh nhất lịch sử các cơn bão hoạt động trong Biển Đông với sức tàn phá vô cùng khó lường, diễn biến phức tạp, hiếm gặp vẫn tiếp tục gây ra hậu quả nặng nề, tàn phá các tỉnh miền núi phía Bắc.
Những con số mất mát, thiệt hại về con người, tài sản vẫn tiếp tục tăng lên từng giờ.
Tổng công ty Bảo hiểm PVI cho biết, đến chiều 11/9, đơn vị đã ghi nhận hơn 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 2.000 tỷ đồng (không bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người).
"Đây có thể là tổn thất lịch sử không mong muốn của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và bảo hiểm PVI nói riêng", doanh nghiệp cho biết.
Tổng công ty Bảo hiểm PVI lưu ý với khách hàng ngay sau khi xảy ra sự cố, phải thông báo cho công ty bảo hiểm về địa điểm xảy ra sự cố, mô tả ngắn gọn về thiệt hại; ảnh chụp hiện trường thiệt hại ban đầu (nếu có).
Hàng chục ô tô bị ngập nước ở Thái Nguyên. Ảnh: Tiền Phong. |
Giám định viên của bảo hiểm PVI hoặc đơn vị giám định được chỉ định sẽ tiếp cận hiện trường để trao đổi chia sẻ thông tin, kiểm tra hiện trường đánh giá tổn thất đồng thời kết hợp hướng dẫn khách hàng cung cấp hồ sơ chi tiết.
Đại diện Tổng Công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng nhận định thiệt hại do bão số 3 gây ra là tổn thất rất lớn do thiên tai của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và doanh nghiệp này nói riêng.
Theo thống kê sơ bộ đến ngày 11/9, Tổng Công ty Bảo hiểm Quân đội ghi nhận khoảng 900 vụ tổn thất bao gồm tài sản, xe cơ giới và hàng hải, ước tính tổng bồi thường 230 tỷ đồng.
Trước đó, Bộ Tài chính đã công văn gửi Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm do cơn bão số 3 gây ra.
Theo nội dung công văn, để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.
Các doanh nghiệp thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật.
Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức thực hiện hỗ trợ nhân đạo theo quy chế nội bộ và quy định pháp luật có liên quan.