Du học sinh mong về Tết "một ngày thôi cũng được"
Cựu du học sinh Úc chia sẻ kinh nghiệm quý giá về du học Từ 10/3: Giáo viên xúc phạm danh dự học sinh bị phạt tới 5 triệu đồng Du học sinh dương tính với SARS-CoV-2 sau khi hết thời gian cách ly |
Những ngày cuối năm, không khí Tết Nguyên đán chưa đến với Moscow xa xôi. Hàng ngày, Hương Giang, sinh viên năm 3 ngành Ngôn ngữ học, ĐH Ngôn ngữ Quốc gia Moscow, Liên bang Nga vẫn học trực tuyến, hạn chế ra ngoài. Đây là nhịp sống nữ du học sinh người Việt duy trì từ tháng 3 năm ngoái đến nay.
“Em thường gọi về nhà để xem mọi người chuẩn bị Tết đến đâu. Những lúc như này, em chỉ mong được về nhà ăn Tết, một ngày thôi rồi lại sang Nga cũng được”, nữ sinh tâm sự.
Hương Giang (ngoài cùng bên phải) sẽ đón cái Tết thứ 3 ở Nga. Ảnh: H.G. |
Thèm cái Tết bên gia đình
Hương Giang sinh sống, học tập tại Nga hơn 3 năm nay. Trong đó, hai Tết, cô đón ở Nga. Năm ngoái, “thèm Tết” không chịu nổi, lại được dịp Tết trùng với kỳ nghỉ đông, Giang may mắn về nước hơn tháng, cùng gia đình đón Tết âm lịch.
Năm nay, dịch bệnh, cô không thể về quê được. “Thà năm ngoái không về, em cũng quen thôi. Nhưng năm trước về, năm nay đón Tết xa, em thấy không quen”, Giang chia sẻ.
Tết cận kề, Hương Giang càng nhớ hương vị quê nhà. Cô nhớ những buổi cùng mẹ ra chợ sắm đồ Tết, nhớ cảnh cùng em trai dọn nhà, mệt nhưng tiếng cười ngập tràn ngôi nhà nhỏ.
Năm nay, Hà Nội bùng dịch ngay dịp Tết Nguyên đán. Ở Moscow, Hương Giang vừa lo cho gia đình vừa tự động viên ít ra, chưa phong tỏa, mọi người vẫn có thể về quê đón Tết.
29 tháng chạp, gia đình cô rời Hà Nội. Dù về muộn, Giang tin tưởng bố mẹ vẫn tranh thủ mua sắm đào, bánh chưng, bánh kẹo rồi cùng nhau đón năm mới.
Nghe bố mẹ nói chuyện về quê, Hương Giang háo hức như thể bản thân cũng đang sắp xếp nốt việc học hành để chuẩn bị cho ngày Tết. Do dịch Covid-19, gia đình Giang sẽ không “ăn Tết to” mà chủ yếu ở nhà, đi chúc Tết ông bà ngoại và hương hỏa ngày Tết cho các cụ.
Dù vậy, với những người con xa quê như Hương Giang, Tết ở bên gia đình là đủ. Không thể ở bên cạnh người thân trong những ngày chuẩn bị đón chào năm mới, nữ sinh chỉ có thể lên mạng, xem ảnh để có chút không khí Tết.
“Thấy mọi người về quê, gói bánh chưng, đăng hình ảnh cùng gia đình chuẩn bị tết trên Facebook, em cũng nghẹn ngào lắm”, nữ sinh nói.
Hương Giang sẽ cùng nhóm bạn chuẩn bị cho bữa cơm đêm 30 và đón Tết cùng nhau tại Moscow. Ảnh: H.G. |
Xa nhà, bạn bè cũng là người thân
Dịp Tết đến xuân về, không chỉ người xa quê nôn nao nỗi nhớ mà người ở nhà cũng lo lắng con tủi thân, cô đơn nơi đất khách khi xung quanh, con cái làm ăn xa đều trở về đón năm mới.
Hương Giang kể năm nay cũng như hai năm cô ăn Tết ở Nga, bố mẹ, cô, dì, chú, bác đều gọi hỏi, sợ cô buồn vì ăn Tết một mình. Lần nào cũng vậy, nữ sinh lại an ủi ngược lại.
“Bên này, Tết cũng như ngày thường, em đi học. Nhiều khi, bài vở ngập đầu, em không có thời gian để buồn. Hơn nữa, em không một mình, em còn bạn bè nữa. Mọi người đều rời quê sang đây, sống với nhau mấy năm rồi nên cũng như người thân”, Hương Giang chia sẻ.
Vì thế, không thể về quê đón Tết, Giang sẽ cùng 4 người bạn khác đặt bánh chưng rồi đi chợ Việt mua nguyên liệu về nấu các món ngon truyền thống. Đêm 30, 5 người cùng nhau đón chờ khoảnh khắc giao thừa.
Thời gian gần đây, họ chỉ học online vào buổi sáng nên có cả buổi chiều để chuẩn bị cho bữa cơm cuối năm. Năm người từ 5 vùng miền khác nhau, phong tục đón Tết cũng không giống nhau. Nhưng với họ, điều quan trọng nhất là tinh thần đón chào năm mới, dành cho nhau những ước mong về năm Tân Sửu vạn sự tốt lành.
Gần giao thừa, Hương Giang sẽ gọi về nhà để dù cách nhau gần 7.000 km, gia đình cô vẫn cùng nhau trải qua khoảnh chuyển giao giữa hai năm.
Sau một năm thế giới lao đao vì dịch Covid-19, mong ước lớn nhất của Giang cho năm Tân Sửu là dịch bệnh sớm bị đẩy lùi, mọi người bình an, may mắn hơn. Bản thân cô cũng cố gắng để học hỏi nhiều hơn, làm được những điều ý nghĩa.