Dự án công viên trên… giấy: Hàng ngàn người dân yêu cầu minh bạch
"Những người khốn khổ" vì dự án Công viên văn hóa 2.000 tỷ nằm trên… giấy |
Nhiều nhà dân nằm trong dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn bị đập bỏ sau khi đã được nhận tiền đền bù và đất tái định cư nơi khác |
Liên quan đến vụ hàng ngàn người dân ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) phải khổ sở khi sinh sống trong vùng có dự án khu Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn bị “treo” hơn 2 lần, tổng cộng là 10 năm nay. Ngày 30/7, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô tiếp tục nhận được nhiều phản ánh và thông tin do từ người dân cung cấp.
Cụ thể, trước khi có dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt vào năm 2009, vào năm 1996, một dự án khác có tên “Công viên suối nước nóng Hoàng Trà” nằm tại khối Sơn Thủy, phường Hòa Hải cũng từng được thành phố “phê duyệt” nhưng lại đi vào quên lãng.
Một nhà dân bị sập đổ vì bão cách đây đã 3 - 4 năm |
Chỉ tay về ngọn Thủy Sơn, bà Trần Thị Tánh (78 tuổi, ngụ tổ 3, khối Sơn Thủy) vẫn còn nhớ như in cảnh nhà cửa, đất đai của gia đình lúc đó được chính quyền yêu cầu kiểm định để phục vụ cho dự án “Công viên suối nước nóng Hoàng Trà”.
“Ngày đó, thành phố có chủ trương giải tỏa, di đời và đền bù cho người dân nơi đây nhưng đa phần chưa đồng ý vì giá đền bù không… phù hợp. Chỉ có một số hộ di dời do được cấp đất tái định cư. Thời gian sau, những hộ dân như chúng tôi muốn đi và yêu cầu được cấp đất nhưng thành phố lại nói… hết đất nên chúng tôi đành cư ngụ tạm cho đến tận ngày hôm nay” – bà Tánh kể.
Bà Tánh bức xúc vì sống tạm trong dự án chưa được triển khai |
Căn nhà cấp bốn với nhiều tấm tôn đã rỉ sét cả chục năm nay đối với và Tánh đã quá đỗi quen thuộc nhưng không thể sửa chữa hoặc làm mới nhà vì chính quyền không cho với lý do: “Nhà cửa nằm trong dự án”.
Đứng kể chuyện với phóng viên chặp lâu, bà Tánh ngậm ngùi nói dứt lời rồi rẽ vào con đường bê tông quen thuộc dẫn về nhà mình: “Nếu dự án không triển khai nữa thì hãy trả đất lại cho bà con chúng tôi. Những hộ nào đã nhận tiền đền bù mà chưa nhận đất thì cấp trên nên có hỗ trợ để dân không còn khổ nữa. Chúng tôi đã bị “treo” ở đây thực chất hơn 20 năm nhưng vẫn không khá nỗi thì ai cũng đã hiểu cả rồi”.
Nhiều nhà dân đang xuống cấp nằm giữa ngọn Thổ Sơn và Mộc Sơn |
Phóng viên tiếp tục gặp được anh Cao Tuấn Tú (ngụ tổ 2, khối Sơn Thủy) và được anh chỉ tay về ngôi nhà cấp 4 đã bị đổ sập cách đây 3 năm một cơn bão giật cấp 12 quét qua.
Theo lời kể của anh Tú, khu vực này hầu hết là nhà đã được xây dựng hơn 20 năm trước và hiện đã xuống cấp nặng. “Nếu có bão lớn vào, người dân chỉ còn biết ra đường ở tạm vì chắc chắn nhà cửa sẽ bị hư hỏng vì không còn chắc chắn như trước đây” – anh Tú nói.
Nhiều bà con nơi đây còn cho biết, chỗ này có thể sẽ là dự án thứ 3 bị “treo” vì trước đó là dự án suối nước nóng rồi đến Công viên văn hóa lịch sử.
Anh Tú kể với phóng viên về dự án treo tại địa bàn khiến người dân đang phải sinh sống khổ sở |
Theo thông tin mà phóng viên thu thập được, hiện đã có hơn 50 % số hộ dân tại Hòa Hải đã nhận tiền đền bù, nhận đất tái định cư để ổn định cuộc sống sau giải tỏa.
Một số hộ dân do mới nhận 80% giá trị đền bù và chưa được bố trí tái định cư đang rất muốn chính quyển quan tâm, hỗ trợ để có cuộc sống ổn định lâu dài trong thời gian tới.
Hiện người dân sống giữa 2 ngọn Thổ Sơn và Mộc Sơn đang lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” và chỉ mong thành phố thông báo là dự án này có tiếp tục triển khai hay không?. Nếu không thì hãy trả lại đất để dân sản xuất.
Dự án không triển khai khiến người dân không còn đất để sản xuất ổn định |
Trước đây, khi Khu danh thắng di tích Ngũ Hành Sơn chưa được công nhận là Di tích Quốc gia cấp đặc biệt, người dân sống trong dự án "treo" Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn có thể được sửa chữa nhà ở do đã xuống cấp với diện tích không quá 50 m2.
“Còn hiện nay, do di tích trên đã được công nhận nên chính quyền phải vào cuộc quản lý, thông báo cho người dân được rõ. Nhiều khu vực nằm trong vùng 1, vùng 2 của di tích nên không được sửa chữa. Tuy nhiên, nhiều nhà dân bị xuống cấp nặng thì có thể thay tôn mới để sinh hoạt tiện hơn hoặc sửa chữa chút ít, tránh nhà cửa bị xuống cấp quá nặng” – ông Huỳnh Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hải thông tin.
Khung cảnh điều hiu cạnh danh thắng di tích Quốc gia cấp đặc biệt Ngũ Hành Sơn |
Trước đó, Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã phản ánh việc hàng ngàn người dân phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) phải chịu đựng cảnh sống tạm bợ kể từ khi dự án Công viên văn hoá lịch sử Ngũ Hành Sơn được phê duyệt quy hoạch từ năm 2009.
Khu vực này nằm giữa danh thắng di tích Quốc gia Ngũ Hành Sơn cấp đặc biệt nhưng người dân lại không được thừa hưởng những dịch vụ tiến bộ và hạ tầng hoàn thiện. Thay vào đó, khung cảnh hoang tàn, xuống cấp đã và đang hiệu hữu mỗi ngày đối với hàng ngàn hộ dân thuộc diện giải toả “treo” sinh sống ngay bên cạnh chân ngọn núi Kim Sơn, thuộc các tổ 1 và 2, khối Sơn Thuỷ.
Nhiều năm đã trôi qua, đất đai ngày càng bị teo tóp, người dân nơi đây đành phải bám víu vào số diện tích đất bị bỏ hoang ít ỏi để cải tạo trồng rau xanh. Số hộ còn lại đành đi nơi khác để làm công nhân, phụ hồ, khách sạn…
Thống kê sơ bộ cho thấy, có đến hàng ngàn hộ dân trên địa bàn phường Hòa Hải thuộc diện giải tỏa phải nhường đất đai, công trình nhà cửa để phục vụ dự án Công viên văn hoá lịch sử Ngũ Hành Sơn.
Hiện dự án công viên này đang bị "treo" 10 năm nay do nguồn kinh phí thực hiện quá lớn nên không có chủ đầu tư nào xúc tiến thực hiện.