Bộ Công an xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng oline
Bán hàng online không rõ nguồn gốc là vi phạm pháp luật |
Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về thương mại điện tử.
Công điện nêu, thời gian vừa qua, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng tất yếu của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới thu hút được nhiều thành phần trong xã hội.
Tại Việt Nam, thương mại điện tử ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp và người dân biết đến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng tham gia, thương mại điện tử giúp cho doanh nghiệp, cá nhân dễ dàng hơn trong việc giới thiệu, giao sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử, cũng đặt ra nhiều thách thức cho giao dịch trên mạng, công tác quản lý giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hóa trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, pháp luật về thuế...
Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát Luật Thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để kịp thời đề xuất việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về quản lý thương mại điện tử.
Đồng thời, Bộ Công thương chủ động xây dựng chính sách quản lý các giao dịch trong hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân nâng cao tinh thần tuân thủ pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng.
Cạnh đó, Bộ Công thương tăng cường công tác cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng qua thương mại điện tử; kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đủ tiêu chuẩn ra thế giới.
Tại công điện, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thúc đẩy triển khai cung cấp dịch vụ xác thực điện tử cho các sàn thương mại điện tử, bảo đảm các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đều được xác thực danh tính khi tham gia cung cấp, trao đổi hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, tránh thất thu thuế và các hành vi gian lận.
Bên cạnh đó, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường bảo đảm an ninh mạng trong hoạt động thương mại điện tử; triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn chứng từ, trong đó nghiên cứu đề xuất: Quy định người bán có thể ủy nhiệm cho sàn giao dịch thương mại điện tử lập hóa đơn điện tử giao cho người mua; quy định trách nhiệm các bộ, cơ quan liên quan trong việc phối hợp với Bộ Tài chính triển khai các giải pháp hóa đơn điện tử đối với hoạt động thương mại điện tử.
Ngoài ra, Bộ Tài chính được giao trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử nhằm quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử.
Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật nhằm tăng cường chế tài xử lý, đình chỉ, ngăn chặn, thu hồi giấy phép hoạt động đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan lĩnh vực thương mại điện tử.