Nút thắt, sức cản lớn với người dân và doanh nghiệp
Thiếu vốn đẩy doanh nghiệp vào vòng xoáy “chết yểu” |
Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 4/11, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) bày tỏ quan tâm đến tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...
Nhằm nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Nga cho rằng, cần tập trung hơn nữa vào khâu xin ý kiến của các tầng lớp Nhân dân, cơ quan, tổ chức vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và tổng hợp.
Đại biểu Nga lấy dẫn chứng từ báo cáo của Chính phủ chỉ rõ, từ năm 2021 đến tháng 8/2024 có 3.001 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa (chiếm 18,9% trong tổng số các quy định được rà soát).
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). |
Theo đại biểu, đây là một con số rất lớn. Những thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, những thủ tục không cần thiết này làm lãng phí thời gian, lãng phí các nguồn lực xã hội và lãng phí cả những cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.
“Con số hơn 3.000 thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa mang cả tín hiệu vui và chưa vui. Theo đó, vui vì đây là kết quả của sự rà soát tích cực, trách nhiệm và khoa học. Còn chưa vui vì con số này cũng là kết quả của sự hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua”, đại biểu Nga cho biết.
Do đó, để hạn chế tối đa tình trạng ban hành các thủ tục hành chính rồi lại rà soát để cắt giảm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất là cần tập trung rà soát ngay từ khâu xây dựng ban hành quy phạm pháp luật, trong đó cần đặc biệt chú trọng vào việc xin ý kiến và tổng hợp…
Các đại biểu tại phiên họp. |
Đại biểu phản ánh, hiện nay theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã quy định đầy đủ các bước, quy trình để xin ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, cơ quan, tổ chức vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có quy định được đăng tải công khai trên các cổng thông tin điện tử.
Tuy nhiên, hiệu quả của công việc này chưa cao, có những cổng thông tin của các bộ, ngành rất ít người dân truy cập để ý kiến, phản hồi về dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, đại biểu Nga cũng chỉ rõ thực tế, bộ pháp điển của Việt Nam hiện nay đang rất lãng phí vì chưa có nhiều tổ chức, cá nhân biết đến và sử dụng. Trong khi đó, một trong những mục tiêu hướng đến của bộ pháp điển là giúp các tổ chức, cá nhân tiện lợi trong việc tìm kiếm, tra cứu đáp ứng nhu cầu sử dụng và tìm hiểu các quy định của pháp luật.
Trong báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ: “Mức độ hiểu biết, tra cứu, sử dụng bộ pháp điển của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế”.
Do vậy, đại biểu Nga đề nghị trong tổng số các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động phổ biến pháp luật, cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp cách tra cứu, sử dụng bộ pháp điển và nâng cao chất lượng hoạt động của cổng thông tin điện tử pháp điển.