Dự án chăn nuôi bò sữa công nghệ cao về vùng khó Kontum, dân khấp khởi mừng
Bước tiến trong lộ trình tạo dựng bản đồ sữa khắp Việt Nam
Ngày 18/9/2020, tại tỉnh Kon Tum, Tập đoàn TH tổ chức Lễ khởi công Dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung, quy mô công nghiệp công nghệ cao tại xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy. Dự án là bước tiếp theo trong lộ trình tạo dựng bản đồ sữa TH true MILK trải dài khắp đất nước với các trang trại tại Nghệ An, Hà Giang, Phú Yên, Thanh Hóa và sắp tới là An Giang, Cao Bằng, với mục tiêu tới năm 2025, tổng đàn bò sữa chăn nuôi tập trung và liên kết với nông dân của TH đạt 400.000 con.
Lễ khởi công dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Kontum |
Huyện Sa Thầy cách tỉnh lỵ Kon Tum khoảng 30km về hướng Tây Nam, diện tích tự nhiên 143.000ha, chiếm 14% diện tích toàn tỉnh, có khoảng 30.000ha đất phù hợp để phát triển nông nghiệp. Dân số trên 50.000 người, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp. Với đặc điểm địa hình vùng cao nguyên, xen kẽ giữa các dãy núi cao và sông lớn tạo thành các thung lũng rộng, cùng với nhiệt độ, độ ẩm thích hợp cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc.
Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện, nhất là khi giá cả thị trường các sản phẩm nông sản chủ lực không ổn định và thời gian kiến thiết đối với cây công nghiệp dài nên ảnh hưởng đến đời sống của người dân nông thôn.
Đại biểu cà nông dân tham dự lễ khởi công |
“Để khắc phục những khó khăn, nâng cao hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện 03 lĩnh vực đột phá. Theo đó, xác định huyện Sa Thầy trở thành vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và chủ trương đầu tư dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao của Tập đoàn TH”, ông Nguyễn Ngọc Sâm, bí thư Huyện ủy huyện Sa Thầy cho biết.
Dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung, quy mô công nghiệp công nghệ cao của TH tại Kon Tum có vốn đầu tư 2.544 tỷ đồng, tổng diện tích 441 ha với quy mô đàn bò nuôi tập trung là 10.000 con, đàn bò nuôi liên kết với nông dân dự kiến 20.000 con thông qua mô hình hợp tác xã công nghệ cao; xây dựng nhà máy chế biến sữa công suất 150 tấn/ngày. Đây sẽ là trang trại bò sữa và nhà máy chế biến sữa tươi sạch có quy mô lớn số 1 của vùng Tây Nguyên.
Dự án này có thể coi là đặt nền móng cho sự phát triển ngành chăn nuôi bò sữa tỉnh Kon Tum - địa phương có rất nhiều thế mạnh cho ngành này nhưng chăn nuôi bò sữa của Kon Tum hiện vẫn là “trận địa” hoàn toàn bỏ trống cho đến khi có sự xuất hiện của TH.
Kéo nông dân cùng đi
Dự kiến sẽ có khoảng 2.000-4.000 hộ nông dân của huyện Sa Thầy và các vùng lân cận của tỉnh Kon Tum có thể tham gia dự án, nhận chuyển giao công nghệ, tiếp cận cơ hội cải thiện thu nhập và làm giàu cho gia đình.
Bà Thái Hương cam kết sẽ túc đẩy nông dân liên kết với TH thành những công dân của thời đại 4.0 |
“Chúng tôi sẽ làm tất cả để đảm bảo những ly sữa do người nông dân làm ra cũng hoàn mỹ và đồng nhất chất lượng với những ly sữa làm ra tại các trang trại chăn nuôi tập trung của TH. Doanh nghiệp và người nông dân phải cùng làm ra những ly sữa đồng nhất về chất lượng và cùng tự tin bước ra thị trường thế giới”, Bà Thái Hương, Nhà sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH khẳng định.
Bà Thái Hương, Nhà sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH |
Bà cũng chia sẻ thêm về câu chuyện nông dân Nghĩa Đàn kết hợp với Tập đoàn TH từ 10 năm trước.
“Đánh giá sự thành công của TH, không phải là ở vấn đề nộp thuế của doanh nghiệp được bao nhiêu, mà cần đánh giá thành công qua việc đưa đời sống nông dân đi lên, thông qua mô hình liên kết để làm giàu và cải thiện đời sống. 10 năm trước khi tôi về Nghĩa Đàn, dọc hai bên đường không có hàng quán gì đâu, nhưng nay mọc lên rất nhiều nhà nghỉ, nhà hàng, rất nhiều dịch vụ; người nông dân có tiền tiết kiệm để trong tài khoản. Sau khi TH đầu tư chắc chắn bà con ở Sa Thầy, ở Kon Tum đây sẽ trở thành những công dân của thời đại 4.0, thời đại công nghệ cao”, bà Thái Hương hứa hẹn.
Tham gia vào hợp tác xã công nghệ cao, bà con nông dân được hỗ trợ vayvốn ngân hàng để mua bò sữa và xây dựng chuồng trại; được hỗ trợ về thú y; được hỗ trợ cung cấp thức ăn cho bò và bao tiêu hoàn toàn sữa tươi nguyên liệu. Đàn bò chăn nuôi tại nông hộ cũng sẽ được gắn chip để theo dõi mọi hoạt động, phòng bệnh và theo dõi chất lượng, sản lượng sữa.
Thời điểm khởi công Dự án tại Kon Tum, đã có trên 20 hộ trong khu vực sẵn sàng kí cam kết tham gia vào mô hình hợp tác xã để nhận chuyển giao công nghệ 4.0 từ Tập đoàn TH.
ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kontum phát biểu tại lễ khởi công |
“Tỉnh Kon Tum cũng mong rằng trong thời gian tới, bà Thái Hương và Tập đoàn TH tiếp tục quan tâm triển khai các dự án có quy mô lớn đang dự kiến đầu tư tại tỉnh, như: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nhà vườn du lịch xanh TH Kon Tum; trồng và chế biến dược liệu kết hợp với du lịch sinh thái tại huyện Kon Plông, trồng cây ăn quả hữu cơ kết hợp du lịch trang trại tại huyện Ia H’Drai, trồng dược liệu dưới tán rừng kết hợp du lịch tại huyện Đăk Hà và Đăk Tô, trồng cây ăn quả và nhà máy chế biến hoa quả kết hợp du lịch trang trại tại huyện Kon Rẫy… với tổng mức đầu tư hơn 7.545 tỷ đồng để góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, từ đó tạo diện mạo mới và nâng cao vị thế cho ngành nông nghiệp nói riêng và kinh tế của cả tỉnh Kon Tum nói chung”, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kontum chia sẻ.