Chàng trai 8X với mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao
Mê nông nghiệp như gia đình
Xuất thân trong gia đình thuần nông, từ nhỏ, anh Nhất đã có sở thích theo ông nội ra đồng ruộng, chăm sóc cây ăn quả trong vườn. Tình yêu với nông nghiệp cũng được anh bắt đầu nuôi dưỡng từ đó.
Sinh ra tại làng quê nghèo xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội nên chàng trai sinh năm 1984 luôn mong muốn góp xúc phát triển quê hương. Nhận thấy ở địa phương nhiều người dân dần bỏ hoang đồng ruộng do trồng lúa lúc được, lúc mất mùa. Với niềm đam mê sẵn có, sau khi học xong, anh thuê lại những thửa ruộng của người nông dân bỏ hoang để quy hoạch trồng cây ăn quả.
Anh Nguyễn Huy Nhất rất đam mê với lĩnh vực nông nghiệp
“Tôi yêu nông nghiệp như yêu chính gia đình mình. Tôi cho rằng, những thửa ruộng nếu bỏ hoang lâu, đất sẽ bị bạc màu và nếu chúng ta không trồng lúa thì có thể trồng các cây khác vừa tăng gia sản xuất mà đất đai cũng không bị hoang phí, vì thế tôi quyết định thuê lại chúng để canh tác", anh Nhất chia sẻ.
Ban đầu, anh trồng rất nhiều cây ăn quả phổ biến như ổi, táo... nhưng do không có kinh nghiệm cộng với kỹ thuật hạn chế nên kết quả không đạt như kỳ vọng. Chàng trai 8X nhận ra rằng đam mê là chưa đủ, cần phải xác định hướng đi và tích lũy cho mình kiến thức, kỹ năng thì mới có thể thành công.
Đến với mô hình trồng dưa lưới
Năm 2018, đang loay hoay tìm hướng đi mới thì anh Nhất gặp lại người bạn thân có nhiều năm kinh nghiệm trồng dưa lưới chia sẻ bí quyết. Bên cạnh đó, dưa lưới cũng là loại quả được người dân ưa chuộng, nhu cầu cao mà nguồn cung chưa đáp ứng đủ.
Sau khi tìm hiểu, anh Nhất quyết định vào Hà Tĩnh thăm bạn thân, đồng thời học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật trồng dưa lưới.
Tích lũy cho mình một nền tảng kiến thức đầy đủ, anh Nhất đầu tư thuê hơn 1.000 mét vuông đất ruộng tại quê hương để quy hoạch trồng dưa lưới. Tuy nhiên, số vốn ban đầu bỏ ra khá lớn, tiền đầu tư máy móc, trang thiết bị đã hơn 600 triệu đồng nên anh nhận được không ít sự can ngăn từ mọi người.
“Lúc đấy ở quê mô hình trồng dưa lưới chưa có ai làm cả, nhiều người bên cạnh nói tôi bỏ ra vốn lớn như vậy thì bao giờ mới thu lại được, có khi lại mất trắng”, anh Nhất tâm sự.
Tuy nhiên, với niềm đam mê và sự quyết tâm thoát nghèo, anh đã vay mượn bạn bè, cắm sổ lương của vợ để có đủ tiền đầu tư. Anh Nhất cho biết: “Lúc bắt đầu gian nan lắm, tôi phải tự làm đường dây cách đó hơn 1km để kéo điện về. Rồi đáng nhớ nhất là mua phải hệ thống tưới cây không đảm bảo kỹ thuật nên tổn thất một khoản tiền rất lớn. Đây cũng là một bài học đáng nhớ nhắc nhở tôi khi làm việc gì cũng nên tìm hiểu và cân nhắc thật kỹ”.
Hiệu quả nhờ áp dụng công nghệ vào sản xuất
Học hỏi việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất từ bạn thân, anh Nhất đã đầu tư xây dựng hơn 1.000 mét vuông nhà kính, đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt có đầy đủ trang thiết bị đo các chỉ tiêu của nước…
Khi trồng trong nhà kính, chất lượng trái cây được đảm bảo, năng suất cao hơn, sâu bệnh giảm đi vì có lưới ngăn côn trùng. Bên cạnh đó, dưa lưới trồng trong nhà kính sẽ không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, sâu bệnh.
Áp dụng công nghệ vào sản xuất đã giúp anh Nhất tiết kiệm được chi phí nhân công và giá thành sản phẩm cũng cao hơn. “Từ lúc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, số lượng lao động cần thuê giảm đi một nửa. Ngoài ra giá dưa cũng cao gấp 3 lần so với dưa trồng bên ngoài vì đảm bảo chất lượng và an toàn hơn”, anh Nhất chia sẻ.
Luôn mong muốn cung cấp sản phẩm sạch và chất lượng cao đến người dân nên thay vì sử dụng phân bón vô cơ anh Nhất tận dụng thu mua phân hữu cơ từ địa phương để bón cho cây. Bên cạnh đó, giống cây cũng được anh chọn mua từ nơi uy tín và được chọn lựa kỹ càng. Vì vậy, số lượng dưa thu hoạch đến đâu được thu mua đến đó.
Hiện tại, dưa lưới được trồng 2 vụ mỗi năm, với giá bán 60.000 đồng/kg loại I, 40.000 đồng/kg loại II. Trừ đi các khoản chi phí, anh thu lãi hơn 400 triệu đồng/năm. Nếu so với trồng táo, ổi thì trồng dưa lưới thu nhập tăng gấp 5 lần.
Việc chuyển đổi sang mô hình trồng dưa lưới đã giúp anh Nhất cải thiện được đời sống kinh tế của bản thân và đóng góp một phần vào sự phát triển của quê hương.
Sắp tới, để tăng năng suất anh Nhất dự định sẽ mở rộng thêm quy mô sản xuất và đầu tư khoảng 3.000 mét vuông nhà kính để trồng dưa lưới. Bên cạnh đó, anh cũng trồng xen canh thêm nhiều loại cây khác như: Cà chua bi, dưa leo để tăng năng suất và cung cấp nguồn thực phẩm sạch ra thị trường.
Anh Nhất chia sẻ: Những khó khăn trong đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta nhiều bài học quý giá và thử thách sự sáng tạo, lòng kiên trì, dám đương đầu với thách thức. Sau đại dịch, tôi càng nghĩ suy nhiều hơn về những năm tháng tuổi trẻ, từ đó sẽ nỗ lực hết mình, tập trung đầu tư công sức nhiều hơn nữa để làm kinh tế với những mô hình mình yêu thích, tự làm giàu cho bản thân, thêm nhiều những đóng góp cho xã hội để tuổi thanh xuân thực sự ý nghĩa. |