Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 24 quận, huyện tại Hà Nội
Chính phủ yêu cầu sớm chấm dứt lây lan dịch tả lợn châu Phi Đề xuất huy động bộ đội, công an tham gia dập dịch tả lợn châu Phi Yên Bái phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi mới |
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hà Nội thông tin tại buổi giao ban báo chí |
Thông tin trên được ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hà Nội cho biết tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức chiều nay (14/5).
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn: Đến ngày 13/5, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 7.760 hộ chăn nuôi (chiếm 9,62 % tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) tại 1.206 thôn, tổ dân phố/346 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện; làm mắc bệnh và tiêu hủy 120.782 con (chiếm 6,45% tổng đàn) với trọng lượng 8.165.079kg.
Cũng theo ông Sơn, thời gian qua dịch bệnh có chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rộng, ở các quy mô chăn nuôi lớn hơn. Cụ thể, từ 24/2 đến 31/3, dịch bệnh xảy ra tại 127 hộ/62 thôn, tổ dân phố/34 xã, phường thuộc 12 quận, huyện. Dịch bệnh chủ yếu ở quy mô dưới 50 con, bình quân phát sinh khoảng 3,6 hộ/ngày với số lượng lợn phải tiêu hủy là 66 con/ngày.
Từ 1/4 đến 30/4, dịch bệnh xảy ra tại 3.391 hộ/641 thôn/231 xã thuộc 24 quận, huyện; dịch bệnh có chiều hướng phát sinh ở các quy mô lớn hơn và trung bình phải tiêu hủy 1.631 con/ngày. Từ ngày 1/5 đến nay, dịch bệnh tiếp tục có chiều hướng phát sinh mạnh và ở các quy mô chăn nuôi lớn hơn; trong giai đoạn này dịch bệnh đã phát sinh thêm 4.201 hộ, 541 thôn, 106 xã; với tổng số lợn phải tiêu hủy là 67.646 con trọng lượng 4.643.319 kg; bình quân số lượng lợn phải tiêu hủy 5.204 con/ngày.
Đến nay, có phường Ngọc Thụy, quận Long Biên dịch bệnh qua trên 30 ngày không phát sinh; số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy tại ổ dịch cũ này là 44 con. Một số địa phương (cấp xã) dịch qua 30 ngày nhưng đã phát sinh trở lại.
Xảy ra tình trạng trên, theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố là do nhiều nguyên nhân, trong đó: Công tác xét nghiệm, trả lời kết quả xét nghiệm còn mất nhiều thời gian gây khó khăn trong việc quản lý, tiêu hủy lợn ốm, chết và tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Việc tiêu hủy số lượng lớn lợn gặp khó khăn trong bố trí quỹ đất, trong khi đó, một số nơi chưa chuẩn bị tốt phương án tiêu hủy nên khi dịch xảy ra gặp rất nhiều khó khăn khi chọn vị trí, địa điểm tiêu hủy. Việc không tiêu hủy lợn ngay để kéo dài nảy sinh việc lây lan dịch bệnh tại khu vực.
Hiện dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng ngày càng lây lan nhanh, ở phạm vi rộng và các quy mô chăn nuôi lớn hơn, kể cả ở một số hộ có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học tốt hơn. Để đối phó với thực trạng này, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không “quay lưng lại” với thịt lợn, tiếp tục tiêu thụ, sử dụng thịt lợn an toàn để tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh.
UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp hiệu quả hơn; đặc biệt là việc xử lý, tiêu hủy lợn mắc bệnh đảm bảo ngăn chặn được virus phát sinh, phát tán không gây ô nhiễm môi trường sinh thái.
Đối với các địa phương, cần huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc quyết liệt; chỉ đạo, tổ chức, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh; bố trí địa điểm tiêu hủy lợn, sản phẩm của lợn tiêu hủy do mắc bệnh dịch theo đúng quy định; đồng thời, huy động các lực lượng của địa phương để tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết kịp thời, triệt để…