Đề xuất huy động bộ đội, công an tham gia dập dịch tả lợn châu Phi
Yên Bái phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi mới Cảnh báo dịch tả lợn có khả năng xâm nhiễm vào cơ sở chăn nuôi tập trung Dịch tả lợn Châu Phi: Đã tiêu hủy 1,2 triệu con lợn, dịch vẫn lan rộng |
Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi sáng 13/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Dịch tả lợn châu Phi có từ năm 1921 nhưng không khủng khiếp như bây giờ. Chỉ đến 3-4 năm gần đây tốc độ lan truyền dịch bệnh mới lớn và nhanh như vậy. Vì vậy, Việt Nam và thế giới đang phải đối diện với loại dịch nguy hiểm, tốn kém chi phí phòng chống bậc nhất, thiệt hại về kinh tế lớn nhất.
Điều nguy hiểm hơn là hễ lợn nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi 100% là chết. Hiện dịch đang ở giai đoạn lan tỏa, lây lan nhanh cộng thêm đặc thù chăn nuôi nhỏ lẻ của Việt Nam, khi hậu diễn biến thất thường nên trên thực tế dịch tả lợn châu Phi còn khủng khiếp hơn rất nhiều những gì tài liệu thế giới công bố.
Tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả châu Phi |
Tại Việt Nam, đã có hiện tượng tái xuất hiện ổ dịch mới ở những nơi đã khống chế được, phát sinh dịch tả lợn châu Phi ở đàn lợn 4.500 con và dịch đang có xâm nhập vào thủ phủ chăn nuôi phía Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, dịch tả lợn châu Phi đang đe dọa một ngành hàng lớn thậm chí có thể ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng CPI.
Tình trạng các địa phương lơ là trong việc phòng chống dịch, thiếu nhân lực, thiếu kinh phí dập dịch cũng được các địa phương nêu ra trong cuộc họp trực tuyến.
Nhắc lại việc hàng trăm con lợn chết trôi sông từ Thái Nguyên xuống Bắc Giang, ông Cường nhấn mạnh: lơi lỏng sẽ rất nguy hiểm.
"Thủ tướng đã nói là dập dịch như đánh giặc, nếu nơi nào để dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng mà không phòng, chống chủ động, kịp thời thì người đứng đầu tỉnh phải chịu trách nhiệm. Đây là bệnh vô cùng nguy hiểm, không thể cho phép nguồn dịch bệnh lây lan ra môi trường trên diện rộng. Để công tác tiêu huỷ đảm bảo đúng kỹ thuật thì quân đội, công an phải là lực lượng nòng cốt, vì tính kỷ luật cao", Bộ trưởng Cường đề nghị.