Cảnh báo dịch tả lợn có khả năng xâm nhiễm vào cơ sở chăn nuôi tập trung

Trong hội nghị trực tuyến với các địa phương sáng 13/5, Bộ NNPTNT đã đưa ra cảnh báo về khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gây hậu quả khó lường.
Thêm địa phương có lợn chết bất thường ở Yên Bái Dịch tả lợn Châu Phi: Đã tiêu hủy 1,2 triệu con lợn, dịch vẫn lan rộng Dịch tả lợn châu Phi quét qua 27 tỉnh, gần 400.000 con lợn bị tiêu huỷ

Dịch tả lợn châu Phi đã quét qua 29 tỉnh thành phố của Việt Nam. 1,2 triệu con lợn (4% tổng đàn) đã buộc phải tiêu hủy. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Xuân Cường đã phải thốt lên: "Chưa bao giờ ngành chăn nuôi thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng phải đối mặt với 1 dịch bệnh nguy hiểm như thế này".

Trước tình hình đó, Bộ NNPTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương để đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị.

canh bao dich ta lon co kha nang xam nhiem vao co so chan nuoi tap trung

Báo cáo của Bộ NNPTNT và các địa phương cho thấy, dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp trong bối cảnh các nước xung quanh, bệnh dịch đã bùng phát trở lại tại Hồng Kông (Trung Quốc).

Tính đến ngày 12/5/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy trên 1,2 triệu con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước). Dịch bệnh cũng đã tiến đến Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi của cả nước, cung cấp trên 40% sản lượng thịt hơi cho TPHCM. Có 29 xã thuộc 12 tỉnh có dịch tả lợn đã qua 30 ngày sau đó lại phát sinh lợn bệnh, gần nhất là tại Bắc Cạn.

Tại cuộc họp trực tuyến, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Ngày 12/5, Thứ trưởng đi kiểm tra tại Bắc Giang đã phát hiện rất nhiều xác lợn chết trôi trên kênh mương trên địa bàn Thái Nguyên về phía Bắc Giang. "Điều đó cho thấy, các địa phương chưa thực sự chống dịch hiệu quả”, Thứ trưởng Tiến cho biết.

Thứ trưởng cũng nêu ra hiện tượng quá tải khi chính quyền xã giao phó hoàn toàn cho nhân viên thú y. Đồng thời dịch bệnh xảy ra trong thời gian dài, diện rộng cũng góp phần làm quá tải công tác tổ chức tiêu hủy lợn.

Ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, hiện Thái Bình đã phải tiêu hủy gần 15.000 tấn lợn mắc bệnh. Chi phí tiêu hủy tính theo giá hỗ trợ đền bù vào khoảng 47o tỷ đồng. Tuy nhiên ngân sách dự phòng của tỉnh chỉ có hơn 100 tỷ đồng.

Một giám đốc Sở khác cho rằng, chi phí hỗ trợ nhân viên thú y tiêu hủy lợn hiện nay còn quá thấp. Mỗi ngày một người được 100 ngàn đồng trong khi lao động tự do còn được trả 250 - 300 ngàn đồng/ngày. Ông đề nghị nâng mức hỗ trợ lên trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp, kéo dài, công tác tiêu hủy của nhân viên thú y quá tải.

Hội nghị trực tuyến cũng chia sẻ thêm thông tin hiện các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống, sẵn sàng phục vụ khôi phục và phát triển sản xuất cho các địa phương khi có điều kiện. Đến nay, cả nước có 740 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn được chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Bộ NNPTNT cũng đang tích cực nghiên cứu các giải pháp phòng, chống phù hợp, hiệu quả hơn; tổ chức nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Bộ NNPTNT cho biết: Trong thời gian tới dịch tả lợn châu Phi vẫn có nguy cơ lây lan rất cao và diễn biến phức tạp. Dịch bệnh có thể bùng phát trở lại ở những địa phương dịch đã qua 30 ngày. Đặc biệt nguy hiểm là dịch tả lợn có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gây hậu quả khó lường.

Huyền My
Phiên bản di động