Dịch tả heo châu Phi bùng phát: Lỗi tại ai?

TP.HCM từng đề nghị giữ lại quy định kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật nội tỉnh để dễ dàng truy xuất nguồn gốc và kịp thời ngăn chặn dịch bệnh trên heo nếu có nhưng bị phớt lờ...
Chính phủ yêu cầu sớm chấm dứt lây lan dịch tả lợn châu Phi Đề xuất huy động bộ đội, công an tham gia dập dịch tả lợn châu Phi Cảnh báo dịch tả lợn có khả năng xâm nhiễm vào cơ sở chăn nuôi tập trung

Sáng 13/5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tổ chức hội nghị trực tuyến “Đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi”.

Tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đưa ra những tồn tại, bất cập trong trong tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Một trong những bất cập đó là: “Do không có quy định về kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật nội tỉnh nên việc kiểm soát, truy suất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là việc vận chuyển lưu thông động vật, sản phẩm động vật ở các địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh bởi chủ hàng dễ dàng hợp thức hóa nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật”.

Một chuyên gia trong ngành thú y ở TP.HCM cho biết năm 2004, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về Thú y. Khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh này có nội dung: “Động vật, sản phẩm động vật khi vận chuyển với số lượng, khối lượng lớn ra khỏi huyện phải được kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát”.

“Căn cứ vào quy định nói trên, lực lượng thú y tình hoặc TP có quyền kiểm dịch lợn sống, thịt lợn trong nội tỉnh hoặc TP. Điều này rất dễ phát hiện lợn sống, thịt lợn không nguồn gốc để xử lý và ngăn chặn dịch bệnh lây lan rất hiệu quả.

dich ta heo chau phi bung phat loi tai ai
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra nguồn gốc lợn vào chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM).

Tuy nhiên đến năm 2015, Luật Thú y ra đời đã bãi bỏ quy định kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nội tỉnh. Điều này đồng nghĩa lực lượng thú y không có quyền kiểm dịch lợn sống, thịt lợn đang vận chuyển trong phạm vi tỉnh hoặc TP. Chưa hết, lợn bệnh từ tỉnh A tuồn vào tỉnh B thì lực lượng thú y của tỉnh B cũng không dễ dàng kiểm dịch. Bởi lẽ một khi chủ hàng khai lợn này có nguồn gốc từ một huyện của tỉnh B thì lực lượng thú y đành bó tay. Đây chính là nguyên nhân lợn bệnh dễ dàng đưa từ tỉnh này vào tỉnh khác và mau chóng lây lan dịch” - vị này nói.

Theo vị chuyên gia này, chắc chắn không ít thành viên công tác trong Bộ NN&PTNT nằm trong tổ soạn thảo Luật Thú y. “Chẳng lẽ những thành viên này không lường trước một số dịch bệnh nguy hiểm trên lợn sẽ xảy ra ở Việt Nam? Chẳng lẽ các thành viên này không nắm được nguyên tắc “bất di bất dịch” là chỉ khi được kiểm dịch nội tỉnh thì mới dễ dàng ngăn chặn dịch bệnh trên lợn?"

Còn nhớ, khi Bộ NN&PTNT tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Thú y thì Chi cục Thú y TP.HCM đề nghị giữ lại quy định kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật nội tỉnh để dễ dàng truy xuất nguồn gốc và kịp thời ngăn chặn dịch bệnh trên lợn nếu có. Thế nhưng đề nghị quá thực tế của Chi cục Thú y TP.HCM bị Bộ NN&PTNT phớt lờ. Để rồi giờ đây chính Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phải la làng: “Do không có quy định về kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật nội tỉnh nên việc kiểm soát, truy suất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật gặp nhiều khó khăn”.

Vậy cho hỏi, bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở Việt Nam là lỗi do ai?

Huyền My
Theo PLO
Phiên bản di động