Bài 1: Di sản văn hóa - Nguồn lực để phát triển du lịch
Việt Nam đang sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, góp phần phát triển du lịch, đóng góp vào nền kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhu cầu tâm linh có thực
Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều lễ hội truyền thống nhất khu vực. Theo thống kê, cả nước ta hiện có gần 9.000 lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng...
Đặc biệt, năm nay, sau 3 năm các lễ hội tạm dừng tổ chức do dịch COVID -19, các điểm du lịch tâm linh, đền, chùa đi cùng các lễ hội đã đón hàng chục vạn, thậm chí hàng trăm ngàn du khách tham quan, chiêm bái và thưởng ngoạn. ĐBQH Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, điều này cho thấy nhu cầu tâm linh có thực của người dân. Lễ hội, với việc thờ thánh thần, có thể giúp người ta một chỗ dựa. Bên cạnh đó, giải trí và giao lưu tình cảm cũng là một nhu cầu nữa.
Tục rước bộ được tái hiện tại Đền Trần Thái Bình năm 2023 |
Mùa lễ hội năm 2023 vẫn đang diễn ra. Có thể thấy, phần lớn các lễ hội vẫn đảm bảo được phần “lễ” và phần “hội”. Dễ dàng thấy, cũng bởi 3 năm dừng tổ chức vì dịch bệnh, nên năm nay, các lễ hội đều được tổ chức trở lại hoành tráng và quy mô. Đơn cử như, Lễ hội Đền Trần Thái Bình năm nay được tổ chức quy mô cấp tỉnh, xứng tầm một Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ban tổ chức Lễ hội Đền Trần Thái Bình đã rất chú trọng đảm bảo phần “lễ” diễn ra trang nghiêm, thành kính, đồng thời phần “hội” với nhiều hoạt động mới mẻ, hấp dẫn mọi tầng lớp người dân. Đáng nói, những nghi lễ bái yết, rước nước, rước bộ và tục lệ truyền thống, vốn là “linh hồn” của một di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn nguyên vẹn, khẳng định được giá trị tốt đẹp và tín ngưỡng tâm linh từ đời Trần hơn 7 thế kỷ qua.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Thái Bình cho biết: “Lễ hội Đền Trần năm 2023 được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh, đã thực sự làm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của Nhân dân địa phương và du khách khi về với Thái Bình bởi những gì thuộc về giá trị phi vật thể đã được lưu giữ và truyền trao qua nhiều thế hệ, nay lại được tái hiện ở Lễ hội này. Điều này, thêm một lần nữa giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy niềm tự hào về quê hương cho mọi tầng lớp Nhân dân”. Đặc biệt, Lễ hội Đền Trần Thái Bình đã đón hàng vạn khách du lịch tham quan, chiêm bái dịp đầu năm, điều chưa từng có ở các mùa lễ hội trước đây.
Thấy gì qua những con số?
Tại tỉnh Yên Bái, hàng loạt đền, chùa, di tích, các lễ hội như Lễ hội Đền Công Cuông, Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà, những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng này cũng đã góp phần mang đến con số 50.000 lượt khách du lịch tham quan, chiêm bái dịp đầu năm, với doanh thu hơn 4 tỷ đồng.
Nếu nói về bứt phá trong việc khai thác giá trị từ di sản, không thể không nói đến Ninh Bình. Với bề dày là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa với 1.499 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 79 di tích xếp hạng cấp quốc gia. Ngoài ra, tỉnh có đến 279 di tích xếp hạng cấp tỉnh và một số di tích lịch sử như Cố đô Hoa Lư, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ vua Lê Đại Hành, đền Thái Vy, đền Đức Thánh Nguyễn, đền Trương Hán Siêu, chùa Bái Đính, chùa Bích Động,… Địa phương này đã ghi nhận tới 400.000 lượt khách trong dịp Tết vừa qua.
Lễ hội Đền Công Cuông (Yên Bái) được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Có thể thấy rõ, di sản đang ngày càng phát huy tiềm năng và giá trị kinh tế nếu chúng ta biết khai thác. Từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã đón nhận danh hiệu, công nhận lễ hội và Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tại Hà Nội, Lễ hội Cổ Loa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; Tại Yên Bái cũng tổ chức đón nhận Lễ hội Đền Đông Cuông trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; Tại Quảng Nam, địa phương này cũng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Nguyên tiêu Hội An. Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng chuẩn bị tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Lễ hội đền Bà Triệu năm 2023…
Nét đặc sắc của Tết Nguyên Tiêu tại Hội An góp phần thu hút khách du lịch tới Quảng Nam |
Đây chắc chắn là niềm vui, niềm tự hào to lớn của chính quyền và Nhân dân các địa phương, đặc biệt là các tầng lớp Nhân dân - chủ thể di sản đã đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.
Bằng cách lưu giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ, “linh hồn” của những di tích, di sản văn hóa phi vật thể đang ngày càng phát huy giá trị, mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương. Với những nỗ lực của chính quyền địa phương, Nhân dân, di tích, di sản đang và chắc chắn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thực sự biến thành “tài sản”.