Hà Nội

Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường, huyện Ba Vì, huyện Thạch Thất và huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội đã chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội làng Chử Xá là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Nguyên tiêu ở Hội An được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Nguyên tiêu ở Hội An được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 154/QĐ-BVHTTDL về việc ghi danh Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường của các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai thuộc thành phố Hà Nội vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường là nghi lễ dân gian độc đáo, được sử dụng trong các tang lễ hay nghi thức cầu sức khỏe, bình an của người Mường, mang đậm giá trị nhân sinh quan đặc sắc, gắn liền với đời sống tinh thần của người dân xứ Mường.

Thống kê của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho thấy, di sản Mo Mường hiện có tại 7 tỉnh, thành phố.

Trong đó, riêng tại Hà Nội, tập quán được thực hiện tại nhiều xã có người Mường sinh sống thuộc các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, với các tên gọi khác nhau, như: Bài cúng ma - cúng giỗ của dân tộc Mường tại các xã Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài, huyện Ba Vì; tập quán ma chay của người Mường ở xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai; nghi lễ tang ma của người Mường ở thôn Luồng, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất…

Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Thầy mo làm lễ cúng trong Lễ Mát nhà

Được biết, thành phố Hà Nội đang phối hợp với các ban, ngành Trung ương, các cơ quan liên quan và địa phương có di sản Mo Mường xây dựng bộ hồ sơ quốc gia đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp.

Việc ghi danh di sản vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cũng nằm trong lộ trình cần có để tiến tới hoàn thiện hồ sơ quốc gia về di sản Mo Mường đề nghị UNESCO ghi danh di sản.

10 di sản văn hóa phi vật thể vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

1. Lễ hội truyền thống, Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu ở Hội An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

2. Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai, Xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

3. Lễ hội truyền thống Lễ hội Kỳ Yên Đình Dĩ An, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

4. Lễ hội truyền thống Lễ hội Đình Thần Nguyễn Trung Trực, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

5. Lễ hội truyền thống Lễ hội Đền Hóa Dạ Trạch, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

6. Lễ hội truyền thống Lễ hội Đền Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu; xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

7. Lễ hội truyền thống Lễ hội Thái Bình Xướng Ca, xã Thanh Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

8. Tập quán xã hội và tín ngưỡng Nghi Lễ Vòng đời của người Chăm Islam, thị xã Tân Châu và huyện An Phú, tỉnh An Giang.

9. Nghệ thuật trình diễn dân gian Nghệ thuật sân khấu Dì Kê của người Khmer, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

10. Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường, huyện Ba Vì, huyện Thạch Thất và huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội

Bảo Phương
Phiên bản di động