Dệt may Việt Nam vừa lo nguồn hàng vừa lo chống dịch

Mối lo lúc này của doanh nghiệp dệt may Việt Nam không phải là tìm kiếm đơn hàng nữa mà là việc giao hàng đúng hạn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Chính sách thuế “trói” doanh nghiệp dệt may: Bộ Tài chính nói gì? Doanh nghiệp dệt may “than” bị gây khó vì Nghị định 18/2021/NĐ-CP

Theo báo cáo của Bộ Công thương, ngành dệt may trong tháng 5/2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước khi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và đi vào thực thi.

Hiện đã có nhiều dấu hiệu tích cực từ thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc khi nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý 3 năm nay.

Nguyên nhân nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng được Bộ Công thương giải thích là do người tiêu dùng Mỹ và châu Âu đã cho thấy nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng như quần áo và giày dép tăng mạnh khi kinh tế được phục hồi do dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa.

Theo số liệu của Bộ Công thương, chỉ số sản xuất ngành dệt tháng 5/2021 tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2020; ngành sản xuất trang phục lần lượt tăng 2,1% và 12,9%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,1% và 21,2%.

Dệt may Việt Nam vừa lo nguồn hàng vừa lo chống dịch
Ngành dệt may đối mặt nỗi lo giao hàng đúng hạn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 8,1% so với cùng kỳ; ngành sản xuất trang phục tăng 9.1%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12%.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 60,1%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 66,2%.

Theo ông Đặng Vũ Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nỗi lo lúc này của ngành dệt may không phải là tìm kiếm đơn hàng nữa mà là việc giao hàng đúng hạn cho đối tác.

Ông Hùng cho rằng, dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp khiến các doanh nghiệp may lo lắng bị cách ly, giãn cách dẫn đến không đảm bảo nhân công phục vụ sản xuất, giao hàng đúng hạn doanh nghiệp sẽ bị phạt, hủy đơn hàng.

"Việc giãn cách xã hội và công tác phòng chống dịch cũng đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp cần có giải pháp phòng dịch hiệu quả, đảm bảo tính liên tục trong sản xuất, bởi giữ được sản xuất là giữ được sự sống còn của doanh nghiệp", ông Hùng chia sẻ.

Ông Hùng cho biết, tại các doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex luôn nghiêm túc thực hiện 5K, khối văn phòng giữ hoạt động luân phiên, 50% cán bộ nhân viên làm việc tại nhà, 50% làm việc tại văn phòng, đảm bảo thông suốt hoạt động kinh doanh.

Với các nhà máy sợi, dệt, may có lực lượng lao động đông đảo từ hàng trăm đến vài nghìn người, thì vẫn phải đảm bảo công nhân bám nhà máy sản xuất, đặc biệt trong thời gian cao điểm cần hoàn thành các đơn hàng đúng hạn.

"Từ tháng 6 đến tháng 8/2021 là thời điểm căng thẳng đối với các doanh nghiệp may trong việc hoàn thành và giao hàng, nên tuyệt đối không để dịch bệnh khiến việc sản xuất kinh doanh trong đơn vị bị ngưng trệ", ông Hùng cho biết.

Văn Huy
Phiên bản di động