Chính sách thuế “trói” doanh nghiệp dệt may: Bộ Tài chính nói gì?
Doanh nghiệp dệt may “than” bị gây khó vì Nghị định 18/2021/NĐ-CP Doanh nghiệp tìm được hướng đi phù hợp, dệt may dần sôi động trở lại |
Trước đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Tổng cục Hải quan kiến nghị các vướng mắc về chính sách thuế và thủ tục hải quan theo Nghị định 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ (Nghị định 18).
Theo đó, khi thực thi điểm g, h khoản 6 điều 1 của Nghị định 18 (vốn được bổ sung từ nghị định 134/2016/NĐ-CP), các doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ đối với loại hình sản xuất - xuất khẩu phải đóng thuế nhập khẩu ngay khi mở tờ khai hải quan, sau đó xuất khẩu mới được hoàn lại.
Theo Vitas, vấn đề nộp thuế trước gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp trong xuất khẩu vì phải huy động một số tiền lớn để đóng thuế và mất thời gian để hoàn thành các thủ tục nộp và hoàn thuế sau đó.
"Như vậy, Nghị định mới này không thông thoáng hơn mà gây khó cho doanh nghiệp khi thực hiện", Vitas đánh giá.
Theo Vitas, bất cập khi thực hiện Nghị định 18 là doanh nghiệp nội địa xuất khẩu tại chỗ sản phẩm cho doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu phải nộp thuế xuất khẩu cho sản phẩm xuất ra. Đồng thời, doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm tại chỗ cũng phải nộp thuế nhập khẩu cho sản phẩm nhập tại chỗ. Như vậy một đối tượng hàng hóa cả hai doanh nghiệp đều phải nộp thuế.
Theo Vitas, Nghị định 18/2021/NĐ-CP gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp dệt may. |
Bên cạnh đó, thực tế hàng nhập khẩu tại chỗ sử dụng để sản xuất xuất khẩu sau cùng cũng xuất ra nước ngoài, không tiêu thụ trong thị trường Việt Nam thì theo quy định tại Luật thuế Xuất nhập khẩu phải được miễn thuế.
Vitas nhấn mạnh rằng, vấn đề nộp thuế ngay sau đó được hoàn lại khi chứng minh là thực sự xuất khẩu gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp, vì phải huy động một số tiền lớn để đóng thuế và mất rất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục nộp và hoàn thuế sau đó.
Đồng thời, điều này chỉ tăng thủ tục hành chính cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý để theo dõi, chuẩn bị hồ sơ quyết toán thuế, hoàn thuế, không khuyến khích hàng sản xuất xuất khẩu, gây ra sự bất bình đẳng giữa hàng gia công xuất khẩu và hàng sản xuất xuất khẩu.
Theo Vitas, việc chỉ ưu tiên hàng nhập khẩu để gia công xuất khẩu mà không ưu tiên các doanh nghiệp nhập để sản xuất xuất khẩu (một hình thức mang lại giá trị gia tăng và hiệu quả cao hơn) và không ưu tiên doanh nghiệp sử dụng vải trong nước để sản xuất xuất khẩu đã khuyến khích các doanh nghiệp lựa chọn hình thức gia công thay vì tìm cách nâng cao vị trí của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng, đi ngược lại chiến lược phát triển của ngành.
Vì vậy, Vitas kiến nghị sửa đổi quy định cho phép miễn thuế nhập khẩu với hàng nhập tại chỗ để sản xuất hàng xuất khẩu, tạo sự bình đẳng giữa hình thức gia công xuất khẩu và sản xuất xuất khẩu, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang phương thức xuất khẩu mua đứt bán đoạn (FOB) thay vì khuyến khích gia công.
Đặc biệt, theo Vitas, Nghị định 18 cần làm rõ, sản phẩm nhập khẩu tại chỗ để sản xuất hàng xuất khẩu cần nộp thuế nhập khẩu có bao gồm sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài nhưng được chỉ định hàng hóa giao từ các doanh nghiệp chế xuất, khu phi thuế quan không?
Trường hợp người nhập khẩu tại chỗ đưa sản phẩm nhập khẩu tại chỗ vào sản xuất hàng xuất khẩu và thực tế đã xuất khẩu sản phẩm cho thương nhân nước ngoài nhưng được chỉ định giao hàng hóa cho doanh nghiệp không phải doanh nghiệp chế xuất hoặc thuộc phi thuế quan thì có được hoàn thuế nhập khẩu không?
Bộ Tài chính khẳng định, nghĩa vụ nộp thuế xuất khẩu đối với sản phẩm sản xuất xuất khẩu tại chỗ là không thay đổi. |
Trước phản ánh của Vitas, Bộ Tài chính cho biết, nộp thuế xuất khẩu đối với sản phẩm sản xuất xuất khẩu tại chỗ được thực hiện theo căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13 thì “Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ” thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Căn cứ quy định tại khoản 7 Điều 16 Luật Thuế xuất nhập khẩu 107/2016/QH13 thì “Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu” thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu. Theo đó, sản phẩm sản xuất xuất khẩu không được miễn thuế xuất khẩu.
Đồng thời, Khoản 24 Điều 16 Luật Thuế xuất nhập khẩu 107/2016/QH13 giao “Chính phủ quy định chi tiết điều này”. Tại Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP không có quy định về miễn thuế xuất khẩu đối với sản phẩm sản xuất xuất khẩu. Khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP quy định: “g) Sản phẩm xuất khẩu tại chỗ không được miễn thuế xuất khẩu”.
Như vậy, nghĩa vụ nộp thuế xuất khẩu đối với sản phẩm sản xuất xuất khẩu tại chỗ là không thay đổi theo các quy định tại các văn bản Luật Thuế xuất nhập khẩu 107/QH13, Nghị định 134/2016/NĐ-CP, Nghị định 18/2021/NĐ-CP.
Theo Bộ Tài chính, trong quá trình xây dựng Nghị định 18/2021/NĐ-CP, quy định về chính sách thuế đối với sản phẩm nhập khẩu tại chỗ của hàng hóa sản xuất xuất khẩu được Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan xem xét trên cơ sở các quy định pháp lý có liên quan đến sản phẩm nhập khẩu tại chỗ để gia công.
Đối với loại hình gia công (người nhận gia công là người làm thuê, nhận phí gia công theo 01 hợp đồng giữa bên thuê và bên nhận gia công; tại Điều 43 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương có quy định về gia công chuyển tiếp: “1. Sản phẩm gia công của hợp đồng gia công này được sử dụng làm nguyên liệu gia công cho hợp đồng gia công khác tại Việt Nam; 2. Sản phẩm gia công của hợp đồng gia công công đoạn trước được giao cho thương nhân theo chỉ định của bên đặt gia công cho hợp đồng gia công công đoạn tiếp theo”.
Nghị định 18/2021/NĐ-CP quy định miễn thuế đối với sản phẩm nhập khẩu tại chỗ để gia công nếu đáp ứng quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP. Nếu quy định thu thuế đối với sản phẩm gia công nhập khẩu tại chỗ thì doanh nghiệp nhận gia công cũng không có đủ nguồn tiền để trả đồng thời không phản ánh đúng bản chất của hoạt động gia công và không phù hợp với pháp luật về thương mại);
Đối với hàng hóa nhập khẩu sản xuất xuất khẩu: Pháp luật về quản lý ngoại thương không có quy định như hàng gia công; hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu thuộc sở hữu của doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu; doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu có quyền chủ động nguồn hàng để sản xuất kinh doanh.
Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu từ nước ngoài hoặc từ khu phi thuế quan thì được miễn thuế nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP. Trường hợp nhập khẩu tại chỗ từ doanh nghiệp nội địa thì nộp thuế nhập khẩu và được hoàn thuế khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài hoặc khu phi thuế quan, theo quy định tại Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.
Việc đưa quy định về chính sách thuế đối với sản phẩm nhập khẩu tại chỗ để sản xuất sản phẩm xuất khẩu để xử lý các tình huống phát sinh trên thực tế và được nêu rõ tại Điều 10, Điều 12 (quy định về chính sách thuế đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu nhằm đảm bảo tính minh bạch).
Như vậy, theo Bộ Tài chính, doanh nghiệp nội địa phải nộp thuế đối với sản phẩm sản xuất khi xuất khẩu tại chỗ cũng như đối với trường hợp xuất khẩu ra nước ngoài. Doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ để sản xuất hàng xuất khẩu phải nộp thuế nhập khẩu. Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu từ nước ngoài, từ khu phi thuế quan thì được miễn thuế nhập khẩu. Doanh nghiệp được quyền lựa chọn nguồn hàng nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu.